Kinh doanh giảm sút

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 8 của Bộ Công Thương cho biết sản xuất dệt tháng 8 tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ; tính chung 8 tháng tăng 1,3% so với cùng kỳ. Sản xuất trang phục tháng 8 tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ; nhưng tính chung 8 tháng vẫn giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cộng dồn 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,25 tỉ USD, giảm 11,6%; vải, vải kỹ thuật khác ước đạt 260 triệu USD, giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,2 tỉ USD, giảm 19,4% so với cùng kì năm 2019.

Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn. Niềm tin tiêu dùng các mặt hàng ở Mỹ, EU và Nhật Bản chưa có nhiều tín hiệu tốt.

Có thể thấy, với ngành dệt may Việt Nam, nhất là đối với ngành may mặc, từ đầu năm đến giờ tình trạng hủy, giãn đơn hàng rất nghiêm trọng. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu.

unnamed

Để cứu vãn việc thiếu hụt đơn hàng, các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của Tập đoàn dệt may Việt Nam (VGT), doanh thu quý 2 của Tập đoàn đạt 3.082 tỉ đồng, giảm gần 35% so với mức doanh thu 4.734 tỉ đồng của cùng kì năm trước; lợi nhuận sau thuế 120,103 tỉ đồng, giảm 36,2%.

Hay với Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG (TNG) tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa trong 6 tháng qua, doanh thu cũng sụt giảm 14%, đạt 1.066 tỉ đồng. Nửa đầu năm, TNG giảm 10% doanh thu còn 1.840 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 66 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kì. 

Lũy kế 7 tháng, doanh thu công ty đạt 2.445 tỉ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ và hoàn thành 53% kế hoạch cả năm. Thị trường nội địa vẫn là điểm sáng của TNG  khi doanh số 7 tháng đạt gần 180 tỷ đồng tăng 44% so cùng kỳ 2019.

Tương tự, với May Sông Hồng ( MSH) doan thu cũng giảm trong 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2, MSH đạt doanh thu thuần 962 tỉ đồng, giảm 17% so với cùng kì 2019. Lãi sau thuế đạt 58 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kì. Luỹ kế 6 tháng, lãi giảm 44%, về mức 122 tỉ đồng.

Vẫn thiếu hụt đơn hàng cuối năm

Tập đoàn Dệt may (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục giảm khoảng từ 14-18% so với cùng kì năm trước, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 32,75 tỉ USD, giảm khoảng 16% so với năm 2019.

Theo chia sẻ mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang khẳng định, dịch Covid-19 đã khiến văn hóa tiêu dùng của người dân thay đổi, chuyển sang chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu chứ không đặt nặng vấn đề mua sắm như trước đây. Chính điều này đã dẫn đến sức mua toàn cầu giảm 30 đến 40%.

Theo đó, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Các doanh nghiệp dệt may đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó ngoài sản phẩm truyền thống, tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm sản phẩm mới là: khẩu trang y tế, bộ bảo hộ chống dịch, bộ bảo hộ phòng chống cháy, bộ bảo hộ phòng chống hóa chất tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Cùng với đó, xây dựng chuỗi kết nối nguyên phụ liệu; khuyến khích đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

 Vy Vy

Nên đọc