Cùng với toàn thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua quý 1 với nhiều dấu ấn tiêu cực. Chỉ số VNIndex giảm 31% về 662,53 điểm. Đây là con số mà không nhà đầu tư nào có thể nghĩ tới trước khi bước sang năm 2020. Đây cũng là mức giảm lớn thứ 2, chỉ xếp sau mức giảm 44,25% trong quý 1/2008 – giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Định giá P/E của VN-Index cũng chỉ còn 9,8 lần – thấp nhất trong vòng 5 năm. Ghi nhận mức bán ròng của khối ngoại đạt con số kỷ lục, lên tới 8.700 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố danh sách thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 1/2020 của top 10 công ty chứng khoán hàng đầu tại HOSE. Tại hạng mục cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm, CTCP Chứng khoán SSI tiếp tục là cái tên giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng với thị phần 12,32%.

Moi gioi
Thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 1/2020 của top 10 công ty chứng khoán hàng đầu tại HOSE

Trước đó, SSI là công ty chứng khoán có 6 năm liên tiếp dẫn đầu về thị phần trên Bảng xếp hạng của HOSE, gần nhất là năm 2019 với 13,96%. Số lượng tài khoản mở mới tại SSI trong quý 1/2020 tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Giữ vị trí thứ 2 và 3 lần lượt là CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) với 11,03% và CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) 9,7%. Các vị trí tiếp theo là CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VNDS), Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset, CTCP Chứng khoán VPS. Năm công ty này đều có thị phần gia tăng so với quý 4/2019.

Trong top 10, CTCP Chứng khoán MB (MBS) và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đều bị giảm thị phần.

Sau thời gian dài vắng bóng, Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) và CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) đã trở lại trong top 10 với thị phần đều là 4,37%. Thời điểm gần nhất, MBKE còn xuất hiện trong top 10 là quý 4/2014 với thị phần 3,56% còn FPTS là quý 4/2018 với thị phần 3,3%.

Tổng thị phần tại HOSE trong quý 1 của top 10 là 65,47%. Thị phần của 64 công ty chứng khoán còn lại chỉ là 34,53%. 

Về thị phần môi giới trái phiếu quý 1/2020, CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) tiếp tục giữ vững vị thế số 1 với 82,43%, bỏ xa đối thủ xếp thứ 2 là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam với thị phần vỏn vẹn 3,6%.

Đại diện SSI cho biết: Là một thành viên chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường, SSI luôn tuân thủ kỷ luật quản trị rủi ro một cách nghiêm ngặt, bao gồm cả rủi ro thanh khoản và tài chính. Trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động phức tạp, đội ngũ môi giới SSI luôn bám sát nhà đầu tư để tư vấn cho khách hàng, ứng xử bình tĩnh, chủ động xử lý danh mục đầu tư ở mức giá tối ưu cho khách hàng, hạn chế phải ép bán giải chấp. Mặc dù thị trường biến động mạnh như vậy nhưng tổng giá trị SSI bán giải chấp trong tháng 3 chỉ ở mức thấp so với tình hình thị trường. Đến nay, SSI không phát sinh nợ xấu. SSI đặt mục tiêu bảo toàn vốn, quản lý rủi ro chặt chẽ không chỉ cho công ty mà cả khách hàng để giảm thiểu thiệt hại trong bối cảnh biến động.

Nguyễn Như

Nên đọc