Ngành ngân hàng đang tỏ ra vượt trội so với tất cả các lĩnh vực còn lại về chế độ lương thưởng. Có lãnh đạo ngân hàng thậm chí nhận thù lao trên 5 tỷ mỗi năm. Đây là điều doanh nghiệp các ngành khác chưa thể thực hiện được. Trong phần còn lại của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) luôn chiếm ưu thế.

Trong nhiều năm liền, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ thường xuyên nằm trong danh sách các sếp lớn được trả lương cao nhất. Năm 2019, điều đó đang lặp lại. Theo PNJ, năm 2019, công ty đã chi trả 53,2 tỷ đồng cho Hội đồng quản trị và Ban Điều hành. Như vậy, bình quân mỗi sếp lớn nhận 2,96 tỷ đồng/người/năm, tương đương 246 triệu đồng/người/tháng.

cao thi ngoc dung
Bà Cao Thị Ngọc Dung đang chiếm ưu thế trong “cuộc đua” lãnh đạo được trả lương cao nhất.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Cao Thị Ngọc Dung và Tổng Giám đốc Lê Trí Thông có lẽ sẽ có thu nhập cao hơn mức trung bình này. Năm 2018, ngân sách thù lao của PNJ “chỉ” là 38 tỷ đồng mà bà Dung đã được nhận tới 5,2 tỷ đồng. Vì vậy, năm 2019 thu nhập của bà Dung nhiều khả năng sẽ cao hơn con số này.

Tuy nhiên, PNJ cho biết, một phần trong ngân sách 53,2 tỷ đồng còn được chi cho một số hoạt động, trong đó có thiện nguyện.

PNJ mạnh tay chi trả thù lao cho dàn lãnh đạo cấp cao khi mà kết quả kinh doanh PNJ có nhiều bước tiến mới. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của PNJ lần đầu tiên chạm tới con số ngàn tỷ khi đạt 1.194 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 960 tỷ đồng năm 2018.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE (REE) chưa bao giờ vắng mặt trong danh sách này. Năm nay, mặc dù số thù lao chính xác của bà Thanh không được tiết lộ nhưng đó chắc chắn sẽ là tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2019, REE dành 3,48 tỷ đồng thù lao cho Hội đồng quản trị. Trung bình, mỗi lãnh đạo, trong đó có bà Thanh nhận 696 triệu đồng/người/năm, tương đương 58 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, Ban Tổng giám đốc có thù lao cao hơn rất nhiều, lên đến 14,8 tỷ đồng. Bình quân, mỗi sếp lớn REE nhận 4,93 tỷ đồng/người/năm, tương đương 411 triệu đồng/người/tháng.

Vừa là Chủ tịch vừa là Tổng giám đốc REE nên thù lao mà bà Thanh nhận được nhiều khả năng lớn hơn con số trung bình 4,93 tỷ đồng/người/năm. Vì vậy, thu nhập của bà Dung và bà Thanh chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào”.

Ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa cũng thường xuyên nằm trong danh sách các sếp lớn có thu nhập cao ngất ngưởng. Năm 2019, số tiền thực lĩnh của sếp lớn ngành cà phê lên tới hơn 1,8 tỷ đồng, tăng đáng kể so với thù lao 1,65 tỷ đồng năm 2018.

Trong năm 2019, VinaCafé Biên Hòa đối mặt với không ít khó khăn. Doanh thu giảm nhẹ từ 3.455 tỷ đồng xuống 3.103 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng từ 637 tỷ đồng lên 678 tỷ đồng. Có lẽ là lý do ông Vũ được tăng lương.

Hiện tại, các công ty chưa công bố hết báo cáo nhưng có lẽ khó vị lãnh đạo nào có thể so được với bà Cao Thị Ngọc Dung và bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Trước đây, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có thể “đấu” lại được hai vị nữ tướng kể trên khi thù lao của ông có thời điểm hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2019, đây là điều gần như không thể xảy ra khi Hoàng Anh Gia Lai có chuỗi nhiều năm liền bết bát với những khoản thua lỗ lên đến ngàn tỷ đồng.

Ngân Hà

Nên đọc