Mục lục

Làm gì có ai có được làn da trắng hồng mịn màng mà không tẩy tế bào chết cơ chứ! Vì thế, việc của chúng ta chính là phải tìm được công thức tẩy tế bào chết “chuẩn đét”. Có vậy thì mới đảm bảo làm đẹp da nhưng vẫn bảo vệ tối đa, không khiến da bị tổn thương.

Bạn hiểu gì về việc tẩy da chết?

Tẩy da chết là một bước làm đẹp vô cùng quen thuộc hiện nay. Khi chúng ta còn trẻ, các lớp da chết sẽ được “lập trình” để biến mất trong khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, khi tuổi tác “ập đến”, một số tế bào sẽ “lì lợm” ở lại trên da trong 40 – 60 hay thậm chí 80 ngày. Chúng sẽ gây ra tình trạng da xỉn màu, tắc nghẽn lỗ chân lông… vô cùng nguy hiểm.

Những tế bào da chết này còn ngăn sản phẩm skincare không thể thẩm thấu vào các lớp tế bào. Lúc này, mọi cố gắng dưỡng da sẽ trở thành “công cốc” đấy! Hơn thế nữa, tế bào da chết sẽ khiến lớp make-up không trơn mịn mà sần sùi và vón cục. Thế thì thật khó chịu đúng không nào?

Vì thế, bạn nhất định phải tẩy tế bào chết thường xuyên. Bước này sẽ đẩy các tế bào da không còn hoạt động ra ngoài, nhường chỗ cho các tế bào da mới, khỏe mạnh và trắng sáng hơn. 

Làm thế nào để tẩy da chết hiệu quả?

Khi nói đến tẩy da chết, chúng ta thường sẽ nghĩ đến hai phương pháp vật lý và hóa học. Mặc dù về cơ bản, hai phương pháp này đều có chung một mục tiêu là loại bỏ da chết. Nhưng thực tế, chúng lại có cách thức hoạt động hoàn toàn khác nhau. Cùng tìm hiểu nhé!

Tẩy tế bào chết vật lý (cơ học)

Đây là phương pháp cổ điển mà ai cũng biết đúng không nào? Khi chọn cách chăm sóc da này, bạn sẽ sử dụng các hạt tẩy tế bào chết và bàn chải để tác động lên các lớp da chết khiến chúng bong ra. Tuy nhiên, không nên thực hiện cách này quá thường xuyên trên những vùng da mỏng, nhạy cảm. Vì nó có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ, khiến da yếu ớt và dễ viêm hơn.

Tẩy da chết hóa học

Nghe thuật ngữ tẩy da chết hóa học, dùng axit tẩy da chết có vẻ “rùng rợn” và nghiêm trọng. Nhưng thực chất đây là phương pháp vô cùng hiệu quả đấy! Các sản phẩm tẩy da chết hóa học sử dụng axit nhẹ để hòa tan “chất keo” liên kết các tế bào chết. Cách này không chỉ nhẹ nhàng và hiệu quả hơn tẩy tế bào chết vật lý mà còn có 2 phương pháp cho bạn chọn.

Đó là tẩy da chết hóa học axit alpha hydroxy (quen gọi là AHA) và axit beta hydroxy (được biết nhiều với tên BHA). 

Axit alpha hydroxy (AHA)

Với những bạn sở hữu làn da thường, da khô hoặc da nhạy cảm thì công thức “chuẩn chỉnh” chính là axit alpha hydroxy (AHA). Các axit này hòa tan trong nước này sẽ tẩy tế bào chết, giữ khuôn mặt của bạn ngậm nước. Một số dạng AHA mà bạn có thể tham khảo gồm có: lactic, mandelic, glycolic và tarteric acid. Nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc là “newbie”, hãy bắt đầu với axit lactic. Còn nếu da không quá nhạy cảm thì hãy chọn ngay axit glycolic bạn nhé!

Axit beta hydroxy (BHA)

Còn những cô nàng da nhờn, dễ bị mụn thì thì tốt nhất hãy sử dụng axit beta hydroxy (BHA). Các axit này hòa tan trong dầu, giúp làm sạch lượng dầu tắc nghẽn bên trong lỗ chân lông, điều trị mụn đầu đen, mụn đầu trắng và mụn trứng cá hiệu quả. Ngoài ra, BHA còn có khả năng chống viêm, giảm thiểu da kích ứng, tổn thương. Bật mí với bạn, dạng BHA phổ biến nhất chính là axit salicylic đấy!

Có nên tẩy tế bào chết thường xuyên không?

Tuy các tế bào da chết đi mỗi ngày nhưng không đồng nghĩa là chúng ta phải tẩy da chết “everyday” đâu nhé! Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy bắt đầu với loại tẩy da chết nhẹ như axit lactic với tần suất 1 lần/tuần trong vài tuần rồi nâng dần lên thành 3-4 lần/ tuần. 

Nếu làn da của bạn “ổn áp” sau hai tháng sử dụng axit lactic, hãy thử chuyển sang axit glycolic hoặc axit salicylic. Bạn có thể áp dụng cách tẩy da chết này 3 lần/ tuần. Nhưng đừng quên dùng kem dưỡng ẩm sau khi tẩy da chết nhé!

Mặc dù chúng ta rất mong đợi làn da của mình sẽ có nhiều thay đổi. Nhưng “dục tốc bất đạt”, bạn tuyệt đối không được tẩy da chết quá mức nhé! Nếu không, bạn sẽ đẩy làn da vào thế nguy hiểm, khiến hàng rào bảo vệ da hư tổn, da kích ứng, khô ráp, bong tróc,..

Chỉ khi tẩy tế bào chết “chuẩn chỉnh” như công thức trên đây thì mới có thể đảm bảo da sạch, khỏe, căng mịn mà không bị tổn thương. Chúc bạn tìm được giải pháp phù hợp cho làn da của mình.

Nhận thông báo hàng tuần cho tin tức làm đẹp

0 bình luận

Bạn vui lòng đăng nhập để có thể bình luận cho bài viết này