1

Cổ phiếu BID vẫn tăng mạnh bất chấp dàn lãnh đạo cũ bị bắt.

Trong hai tháng cuối năm 2018, thị trường ngân hàng có nhiều điểm nhấn quan trọng. Đó là lãi suất huy động của nhiều đơn vị đồng loạt được điều chỉnh tăng đáng kể, tăng từ kỳ hạn ngắn tới kỳ hạn dài. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND dần nóng lên cũng được quan tâm.

Thế nhưng, thông tin xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng lại là dàn lãnh đạo Ngân hàng BIDV bị bắt. Không ít cổ đông lo ngại thông tin này sẽ ảnh hưởng đến BIDV, mà ảnh hưởng rõ nhất chính là giá cổ phiếu BID giảm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại. Có vẻ như nhà đầu tư khá dửng dưng với sự thật này. Thị trường chứng khoán Việt Nam gần như không có phản ứng tiêu cực nào. Cổ phiếu BID không những không giảm mà còn tăng đáng kể.

Đóng cửa phiên giao dịch 29/11, phiên giao dịch ngay diễn ra ngay sau khi dàn lãnh đạo BIDV bị bắt, VN-Index chỉ giảm 3,41 điểm, tương ứng 0,37% xuống 926,79 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 3,82 điểm, tương ứng 0,42% xuống 897,58 điểm.

Tâm điểm của thị trường chính là cổ phiếu BID. Thế nhưng, cũng giống như chỉ số VN-Index, cổ phiếu này dường như vẫn vững vàng. Đóng cửa phiên, BID dừng ở mức 31.250 đồng/CP sau khi chỉ giảm 300 đồng/CP. Sau đó, tới phiên 3/12, BID còn tăng trần, tăng 2.150 đồng/CP lên 33.550 đồng/CP.

Hiện tại, BID vẫn duy trì đà đi lên. Đóng cửa phiên 5/12, BID dừng ở mức 33.850 đồng/CP, tăng 2.600 đồng/CP, tương ứng 8,32% so với ngày 29/11, thời điểm thông tin dàn lãnh đạo cũ của BIDV bị bắt xuất hiện. Như vậy, vốn hóa thị trường BIDV không những không giảm mà còn tăng 8.889 tỷ đồng. BIDV đang đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Không chỉ có vậy, BID còn khiến cổ đông một lần nữa ngạc nhiên khi tên mình vào danh sách các cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất với tốc độ 8,32%. Trong khi đó, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ tăng 5%, cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chỉ tăng 7,5%…

2

Chứng khoán đang “nóng” sẽ hỗ trợ mạnh cho BID.

Cổ phiếu BID tăng trưởng tốt suốt thời gian qua bất chấp dàn lãnh đạo cũ bị bắt. Nguyên nhân được giới đầu tư chỉ ra là dàn lãnh đạo cũ và ngân hàng này không còn nhiều liên kết. Bên cạnh đó, những sai phạm cùa các lãnh đạo kể trên xảy ra đã lâu, đã được phản ánh vào giá cổ phiếu BID trong quá khứ nên hiện tại, câu chuyện bắt giữ không còn ảnh hưởng nhiều đến BIDV.

Trong thời gian này, cổ phiếu BID còn được nâng đỡ bởi đà tăng tốc của VN-Index và thông tin một ngân hàng Hàn Quốc sẽ trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.

Cụ thể, sau nhiều năm bế tắc, BIDV đã giải được “bài toán khó” cổ đông chiến lược. Mới đây, cổ đông quan trọng này đã được chọn. Đó là Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Hana Bank bước vào BIDV khi ngân hàng này tăng vốn lên hơn 40.200 tỷ đồng.

Theo phương án tăng vốn, tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là hơn 603 triệu cổ phần. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá dự kiến là hơn 6.033 tỷ đồng.

Ngoài ra, tương lai sáng sủa của VN-Index cũng góp phần “nâng đỡ” cổ phiếu BID. Công ty chứng khoán BSC có cái nhìn khá lạc quan tới thị trường. Theo BSC, những thỏa thuận ban đầu giữa Mỹ – Trung tạm thời chặn đà leo thang của cuộc chiến thương mại và sẽ cũng có ảnh hưởng tích cực lên thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thị trường đã ổn định dần và có cơ hội tăng quay lại vùng điểm kỳ vọng từ 975 – 1.000 điểm vào cuối năm 2018.

Bảo Linh

41
 

Nên đọc