Cả hai bộ phim Hậu Cung Như Ý Truyện và Diên Hi Công Lược đều cố gắng xây dựng nhân vật Càn Long bám sát với nguyên mẫu. Trong sử sách, vua Càn Long là một vị vua giỏi trị quốc, bình thiên hạ, tuy nhiên đời tư tình cảm khá “lộn xộn”. Ông nổi tiếng là người trăng hoa, đa tình, là nguyên nhân gây không ít sóng gió chốn hậu cung. Nhiều chi tiết liên quan đến vua Càn Long ngoài đời, cả trong sử sách lẫn truyền miệng đã được các nhà sản xuất đưa vào phim ảnh. Tuy nhiên mỗi phim lại có một cách xây dựng nhân vật khác nhau.
Cả hai bộ phim đều nỗ lực bám sát lịch sử khi tái hiện Càn Long trên phim
Vua Càn Long ở Diên Hi Công Lược – Người đàn ông trong nóng ngoài lạnh
Diên Hi Công Lược vốn không phải bộ phim thuần cung đấu mà pha trộn nhiều thể loại, mang tinh thần phim hiện đại nên hình tượng vua Càn Long được xây dựng đa chiều và gần gũi hơn.
Trong phim, Càn Long (Nhiếp Viễn) có mối quan hệ phu thê thâm tình với Phú Sát Hoàng hậu (Tần Lam) và có một tình yêu đẹp, lấp lánh màu sắc ngôn tình với Lệnh phi Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn). Còn đối với Nhàn phi (nhân vật chính trong Như Ý truyện) thì ông có coi trọng nhưng không có tình yêu. Với những cuộc đấu đá chốn hậu cung, vua không trực tiếp can thiệp mà có cách giáo huấn thâm sâu. Chẳng hạn như tặng 12 bức hoành phi về các vị phi tần mẫu mực trong lịch sử cho hậu cung của mình, hay bắt Cao Quý phi chép kinh Kim Cang sám hối.
Ông phân biệt rạch ròi, hậu cung không được can dự việc triều chính, đồng thời, cả người nhà các phi tần cũng không được can thiệp, bình luận chuyện hậu cung. Ông từng nghiêm nghị nhắc nhở Cao Bân (cha của Cao Quý phi): “Chuyện gia đình trẫm không đến lượt khanh can dự”. Điều này đã thể hiện rõ sự tôn nghiêm của một vị vua và vị thế của một người đàn ông làm chủ gia đình.
Càn Long vừa là một người chồng, người cha, vừa là vua của một nước. Với ông, quốc gia xã tắc vẫn là trên hết. Con mất, ông nén nỗi đau để xử lý việc triều chính. Ông nhớ con, thương con nhưng chẳng thể giãi bày, chỉ biết làm bạn với ly rượu chát lòng.
Cặp đôi Càn Long – Anh Lạc được nhiều người yêu thích.
Ông từng nói đế vương chỉ có thể sủng mà không thể yêu nhưng vẫn phải lòng Lệnh phi. Vậy mà khi Lệnh phi ngã ngựa bị thương, ông vẫn phải quản việc triều chính trước rồi mới lo đến phi tần của mình. Khi Lệnh phi bị trúng kịch độc, vua không khóc nhưng mắt đỏ mọng, trách sao cuộc đời độc ác với trẫm đến vậy.
Ngoài những cảnh chốn hậu cung, trong Diên Hi Công Lược cũng có những cảnh vua Càn Long lâm triều, trao đổi việc triều chính với các đại thần, xử lý công vụ ở Dưỡng Tâm điện. Ông luôn giữ được uy quyền của mình, dù với vai trò là đế vương hay người chồng trong gia đình. Vua cũng được khai thác ở những khía cạnh đậm tính… giải trí với thói quen đá đít thái giám, núp lùm, rình rập theo dõi cả cung nữ, phi tần của mình.
Hình tượng Càn Long trong Diên Hi Công Lược rất được lòng khán giả, có người còn cho rằng không cần biết vua Càn Long trong lịch sử ra sao, họ vẫn đặc biệt yêu thích Càn Long trong bộ phim này.
Cặp đôi Đế – Hậu chiếm được tình cảm của khán giả trong nửa đầu bộ phim.
Vua Càn Long của Như Ý Truyện – Lạnh lùng và tàn nhẫn
Khác với Diên Hi Công Lược, Như Ý Truyện xây dựng nhân vật Càn Long từ khi còn là hoàng tử Hoằng Lịch ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Lúc mới đăng cơ, Càn Long gần như vẫn dưới trướng Thái hậu.
Như Ý Truyện khai thác mối tình thanh mai trúc mã của Càn Long (Hoắc Kiến Hoa) và Kế Hoàng hậu (Châu Tấn), từ khi họ vẫn còn là Hoàng tử Hoằng Lịch và Thanh Anh cách cách (sau đổi tên thành Như Ý). Trong bộ phim này mối quan hệ giữa Càn Long với Phú Sát Hoàng hậu (Đổng Khiết) hay Lệnh phi (Lý Thuần) khá mờ nhạt. Nhàn phi là người mà Càn Long yêu thương và ra sức bảo vệ, nhưng ông cũng bất lực trước màn tranh đấu ác liệt chốn hậu cung và không thể làm gì hơn ngoài việc tước phong vị, đẩy Nhàn phi vào lãnh cung khi bà bị vu oan giá họa.
Trong Như Ý Truyện, Nhàn phi mới là người được vua yêu.
Đối với cuộc chiến chốn thâm cung, Càn Long không đứng ngoài mà trực tiếp can thiệp, mưu mô thủ đoạn cũng chẳng kém các phi tần. Càn Long luôn nhìn Thái hậu và các phi tần của mình bằng ánh mắt hồ nghi. So với Diên Hi Công Lược, Càn Long của Như Ý Truyện lạnh lùng hơn, tàn nhẫn hơn, thâm sâu khó đoán, chân tình mà cũng rất bạc tình.
Sống giữa hậu cung đầy thị phi, chính Càn Long cũng dần đánh mất chính mình và trượt dài trên con đường trở thành kẻ độc ác, tàn nhẫn. Ông khiến Phú Sát Lang Hoa uất hận mà chết, bạo hành và đày đoạn khiến mẹ con Tô Lục Quân chết trong sự nhục nhã, sỉ nhục khiến Kim Ngọc Nghiên chết trong hận thù, khiến Diệp Hách La Lạp Ý Hoan không thể có con và tự sát trong căm phẫn. Cuối cùng, vì ghen tuông và sĩ diện, ông khiến Như Ý hoàn toàn thất vọng, đến mức cắt tóc đoạn tình. Cái chết của Như Ý khiến ông sống trong đau khổ, dằn vặt cả đời.
Càn Long trong Như Ý Truyện rất lạnh lùng, tàn nhẫn.
Như Ý Truyện không khai thác Càn Long ở khía cạnh quân vương của triều chính. Suốt hơn 20 tập, Càn Long chỉ quanh quẩn giải quyết các mâu thuẫn, đấu đá ở hậu cung. Lúc nhàn tản, ông gọi ca kỹ đến đàn rồi nạp luôn một ca kỹ làm đáp ứng khi chưa mãn tang Ung Chính.
Tạm kết
Như Ý Truyện và Diên Hi Công Lược có hướng đi riêng và cách xây dựng nhân vật khác nhau. Nếu như chỉ xét về nhân vật vua Càn Long thì rõ ràng chiến thắng nghiêng về phía Nhiếp Viễn của Diên Hi Công Lược vì phần tính cách đời hơn, gần gũi hơn.
Trong khi Càn Long của Như Ý Truyện rõ ràng là nhiều tâm cơ hơn, tham gia vào cả cuộc chiến hậu cung nhưng hiện tại vẫn chưa gây được thiện cảm nhiều. Đón xem Như Ý Truyện phát sóng lúc 20h mỗi tối thứ Hai đến thứ Sáu trên Tencent.