Nợ cao gấp 3 lần vốn

Ra đời cuối năm 2009, đầu năm 2010, Công ty cổ phần Thực Phẩm Sữa TH (TH True Milk) thuộc Tập đoàn TH ít nhiều đã có đóng góp cho xã hội. Đầu tiên, TH True Milk mạnh dạn xây dựng mô hình “siêu trang trại”. Mô hình tập trung này giúp năng suất cao và đảm bảo chất lượng sữa nguyên liệu.

Bên cạnh đó, mô hình trang trại TH True Milk khởi xướng đã hạn chế việc nhập khẩu sữa nguyên liệu từ nước ngoài, ưu tiên dùng sản phẩm trong nước. Đóng góp vào kinh tế vĩ mô của TH True Milk còn được thể hiện ở chỗ TH True Milk đã tạo ra rất nhiều việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, TH True Milk vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đầu tiên là những khoản lỗ lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 của TH, tại thời điểm cuối năm, vốn chủ sở hữu của TH chỉ là 2.385 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn cổ phần của công ty này lên tới 3.800 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, vốn sở hữu của TH đã “âm” tới 1.415 tỷ đồng, tương ứng 37% vốn góp của cổ đông.

BacA-Bank-TH
BacA Bank và TH True Milk là hai doanh nghiệp có nhiều lãnh đạo là “người nhà” nên có quan hệ mật thiết với nhau.

Cùng với lỗ “khủng”, TH True Milk phải gánh chịu khoản nợ khổng lồ. Hồi cuối năm 2015, nợ phải trả tại TH True Milk lên tới 8.152 tỷ đồng, cao gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu. Tới năm 2016, tỷ lệ này giảm xuống 3,2 lần nhưng vẫn là con số rất cao.

Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2016, tổng nợ phải trả của TH True Milk dù giảm nhưng vẫn lên tới 7.621 tỷ đồng, chiếm tới 76,2% tổng nguồn vốn. Con số này cho thấy TH True Milk sống chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay.

Nghi án khó trả nợ

Nợ vay quá lớn luôn là con dao 2 lưỡi với một doanh nghiệp. Nếu sản phẩm bán chạy, mang về nguồn thu lớn, nợ vay sẽ là động lực. Nhưng ngược lại, nếu doanh thu èo uột, nợ vay sẽ là áp lực rất lớn. Với TH True Milk, rất đáng tiếc, “ông lớn” ngành sữa lại thuộc trường hợp thứ 2.

Nợ khủng đã và đang “hành” TH True Milk rất nhiều. Đầu tiên, chi phí lãi vay quá lớn luôn “ăn mòn” lợi nhuận của TH True Milk. Bên cạnh đó, nợ lớn, đặc biệt là nợ ngắn hạn mang đến áp lực trả nợ quá nặng nề.

Cụ thể, trong năm 2014, 215 và 2016, TH True Milk lần lượt phải rút hầu bao 590 tỷ đồng, 515 tỷ đồng và 564 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận của các năm này chỉ là 27 tỷ đồng, 58 tỷ đồng và 130 tỷ đồng. Vài năm trước đó, TH True Milk thậm chí còn thua lỗ thảm.

Còn về thanh khoản, trong báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2016, TH True Milk khẳng định: “Không có lý do gì để Ban Giám đốc công ty cho rằng công ty sẽ không thể thanh toán các khoản nợ phải trả khi đến hạn”.

Tuy nhiên, các số liệu trong báo cáo lại không “bảo đảm” cho khẳng định của TH True Milk. Hồi cuối năm 2016, tổng nợ vay ngân hàng của TH True Milk là 5.476 tỷ đồng, trong đó các khoản nợ vay ngắn hạn là 1.150 tỷ đồng. Điều đáng nói, tiền mặt và các khoản tương đương tiền của TH True Milk chỉ là 28,5 tỷ đồng.

Đó là cái nhìn cảm quan. Còn nếu dựa trên các con số tính toán khoa học, có thể thấy, thanh khoản của TH True Milk có vấn đề lớn. Tại một doanh nghiệp như TH True Milk, nếu chỉ số Khả năng thanh toán ngắn hạn (Tổng tài sản ngắn hạn/Tổng nợ ngắn hạn) lớn hơn 1 thì hoạt động tài chính được cho là an toàn.

Tuy nhiên, trong năm 2014, 2015 và 2016, chỉ số này của TH True Milk lần lượt đạt 0,6%, 0,45% và 0,64%. Điều đó thể hiện khả năng thanh khoản của công ty là rất thấp.

Số liệu thống kê cho thấy thanh khoản của TH True Milk đang có nhiều vấn đề. Con theo nguồn tin riêng của PV Báo Người tiêu dùng, khả năng trả nợ của TH True Milk đúng là… có vấn đề thật.

“Người nhà” BacA Bank có khốn đốn?

Thanh khoản của TH True Milk gặp vấn đề, các chủ nợ – phần lớn là ngân hàng sẽ phải giải quyết “bài toán khó” mà TH True Milk để lại. Có nhiều ngân hàng cho TH True Milk vay vốn nhưng Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) là đơn vị được chú ý hơn cả.

baca bank 1
BacA Bank có thể gặp nhiều khó khăn khi cho TH True Milk vay nhiều mà không cần tài sản đảm bảo.

BacA Bank được chú ý vì ngân hàng này là “người nhà” của TH True Milk. Mối quan hệ BacA Bank – TH True Milk được kết nối bởi mối quan hệ sở hữu và bà chủ Thái Hương. Dù hiện tại BacA Bank thoái vốn, bà Thái Hương rút khỏi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị TH True Milk nhưng mối quan hệ mật thiết của hai đơn vị này chưa dễ gì được xóa bỏ.

Tại thời điểm 31/12/2016, TH True Milk vay nợ BacA Bank khá nhiều. Tổng nợ lên đến 794 tỷ đồng, chiếm 16% vốn điều lệ của BacA Bank. Trong đó có 478 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, 316 tỷ đồng là nợ dài hạn. Cần nhấn mạnh, các khoản nợ (cả ngắn hạn và dài hạn) của TH True Milk tại BacA Bank đều không cần tài sản đảm bảo.

Với tất cả các khoản nợ vay ngắn hạn (bao gồm khoản nợ tại BacA Bank), TH True Milk đã nhắc tới khả năng thanh toán. Theo đó, khả năng thanh toán không phụ thuộc vào doanh thu mà phụ thuộc vào khả năng… vay nợ tiếp theo.

Theo thông tin từ TH True Milk cho biết: “Khả năng trả nợ của Công ty phụ thuộc vào khả năng Công ty có thể huy động thêm các khoản vay để tài trợ cho hoạt động của Công ty nhằm giúp Công ty có thể thanh toán các khoản phải trả khi đến hạn”.

Có thể thấy, TH True Milk đã kỳ vọng vào việc vay chỗ nọ để thanh toán nợ chỗ kia. Điều đó thể hiện rõ thanh khoản yếu kém của công ty. Thanh khoản của công ty gặp vấn đề, BacA Bank nói chung và các chủ nợ nói riêng không dễ dàng để đòi nợ.

Hiện tại, chưa rõ những khoản nợ của của TH True Milk ảnh hưởng thế nào tới BacA Bank. Chỉ biết, tại thời điểm cuối quý 3 năm nay, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng từ 382 tỷ đồng đầu năm 2017 lên 420 tỷ đồng.

Vy Vy

Nên đọc