Theo ông Vũ Đức Giang, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên thế giới với sản lượng tiêu thụ 1,5 triệu tấn/năm, trong đó hơn 800.000 tấn nhập từ Mỹ (chiếm 60% tổng sản lượng nhập khẩu). Toàn ngành dệt may đến thời điểm này đã xuất khẩu được 19 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.
Dù là một trong những ngành hàng chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong năm 2019 nhưng đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may vẫn đang chịu tác động tiêu cực và nặng nề bởi dịch Covid-19.
Như mọi năm, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau, nhưng năm nay, phần lớn doanh nghiệp dệt may chỉ nhận được đơn hàng từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn mới nhận khoảng 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái.
Chưa bao giờ, ngành dệt may Việt Nam lại chịu áp lực nhiều đến thế |
Trước những khó khăn mà ngành dệt may đang gặp phải, Chủ tịch Vitas đã dự báo năm 2020, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là 40 tỷ USD nhưng theo dự tính chỉ có thể đạt 32 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng truyền thống của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là veston, sơmi… giảm 70%, thậm chí là 80% so với kế hoạch.
“Chưa bao giờ, ngành dệt may Việt Nam lại chịu áp lực nhiều đến thế. Mọi kế hoạch gần như thay đổi mà không có phương án bền vững” – ông Giang nhận xét.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, nửa cuối năm doanh nghiệp dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; đồng thời tối thiểu hóa sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận bằng việc quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục.
Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch Vitas thì ngành dệt may cũng có tia sáng khi từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều dự án FDI mới trong lĩnh vực dệt may, xơ sợi, dệt nhuộm tại Việt Nam cũng liên tiếp được triển khai. Điều này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất thoát khỏi làm gia công theo đơn đặt hàng.
Lãnh đạo Vitas cho rằng sự dịch chuyển sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ đất nước gia tăng tỷ trọng phần cung ứng bị thiếu hụt. Khi đó, các doanh nghiệp trong nước gia tăng tỷ trọng nội địa hóa, được hưởng các ưu đãi đầu tư theo cam kết từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.
Hiện tại Việt Nam chỉ đáp ứng nội địa từ 47-48%, và với sự gia tăng dịch chuyển đầu tư của các nước thì ngành có thể nâng lên đạt 67-68% trong thời gian tới. Điều này cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất thoát khỏi làm gia công theo đơn đặt hàng.
Theo ông Giang trên thực tế tỷ trọng doanh nghiệp trong ngành dệt may trong nước làm thuần gia công đã giảm nhiều, chuyển dần sang làm FOB hay OEM (là một đơn hàng có mẫu mã do khách hàng đặt còn phần còn lại thì doanh nghiệp sản xuất tự giải quyết)…
Vy Vy
Nên đọc