Giá vàng thế giới tăng sốc

Đại dịch Covid-19 ngày càng căng thẳng hơn và khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thương nặng nề. Trong đó, những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, Anh điêu đứng vì số lượng ca nhiễm và tử vong tại các quốc gia này đứng ở mức rất cao.

Kết quả là giá vàng thế giới đã tăng mạnh, nay càng tăng mạnh hơn trong nửa đầu tháng Tư. Trong ngày 15/4 tại thị trường châu Á, có thời điểm kim loại quý này gần chạm mốc 1.730 USD/ounce, mức cao nhất trong 7,5 năm qua.

Như vậy, so với phiên cuối cùng của tháng Ba, giá vàng thế giới đã tăng 114 USD/ounce, tương đương 7,1%. Trước đó, trong tháng 3, kim loại quý này thậm chí còn đi lùi khi giảm 14 USD/ounce, tương đương 0,9% so với cuối tháng 2. Điều đó cho thấy vàng đang rất được giới đầu tư toàn cầu quan tâm.

gia vang 11
Giá vàng thế giới tăng sốc, trong nước bất động trong nửa tháng đầu tháng Tư.

Giá vàng thẳng tiến khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng những năm 1930. Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ phải tiêu tốn 9.000 tỷ USD.

Những cảnh báo về thời kỳ khủng khiếp sắp tới đã được nhiều tổ chức quốc tế nhắc lại trong tháng qua, bao gồm Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). WTO cho biết thương mại toàn cầu sẽ hao hụt trong khoảng từ 13% đến 32% trong năm nay. Và dự kiến kinh tế sẽ giảm “trong một khoảng thời gian dài”.

Đây là điều kiện lý tưởng cho vàng “tỏa sáng”. Đêm qua, tại thị trường Mỹ, có thời điểm giá vàng vọt lên 1.777 USD/ounce. Nhiều nhà phân tích vàng đã so sánh thời điểm hiện tại với giai đoạn tăng điên cuồng của vàng thời kỳ 2009-2012.

Mike McGlone, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence bình luận khi người ta nhắc đến năm 2020 lịch sử, chúng ta kỳ vọng vàng hưởng lợi lớn từ các gói kích thích tiền tệ chưa từng có, điều mà hỗ trợ giá cổ phiếu. Vàng đạt tới mức giá tương đương đồng USD chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong nước bất động

Trong khi giá vàng thế giới “dậy sóng”, giá vàng SJC vẫn bình thản. Hiện tại, giá vàng đang giao dịch phổ biến ở mức 48,50 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 130.000 đồng/lượng, tương đương 0,3% so với cuối tháng Ba, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 7,1% của giá vàng thế giới.

Chiều 15/4, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức: 47,60 triệu đồng/lượng – 48,40 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Doji và PNJ giao dịch ở mức: 47,80 triệu đồng/lượng – 48,50 triệu đồng/lượng và 47,30 triệu đồng/lượng – 48,60 triệu đồng/lượng.

Có nhiều nguyên nhân khiến gia vàng SJC gần như bất động bất chấp giá vàng thế giới đang “nóng” lên từng ngày và được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Thứ nhất, trong tháng Ba, khi mà giá vàng thế giới lao dốc, giá vàng SJC vẫn “bình chân như vại”, khi giảm nhẹ, khi đứng im, thậm chí có thời điểm còn tăng nhẹ. Diễn biến đó khiến giá vàng SJC trở nên vô cùng đắt đỏ so với giá vàng thế giới. Trong khoảng thời gian dài, giá vàng SJC đắt hơn tới 2 triệu đồng/lượng, có thời điểm khoảng cách lên đến 4 triệu đồng/lượng. Đây là rủi ro lớn cho người mua.

Thứ hai, khi đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp hơn, từ 1/4, Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội, chỉ những cửa hàng bán nhu yếu phẩm mới được mở cửa. Các công ty vàng phải đóng cửa chống dịch. Dù các công ty thực hiện việc bán hàng online nhưng nhu cầu của người dân về vàng không được cao như trước. Cầu thấp nên các “nhà vàng” khó có thể đẩy giá lên.

Tuy nhiên, giá vàng SJC được dự báo sẽ “phá băng” nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh vì hiện tại, hai mức giá đã ngang bằng nhau. Ở mức 1.730 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi tương đương 48,60 triệu đồng/lượng, chỉ chênh so với giá vàng SJC khoảng 100.000 đồng/lượng. Đây là mức chênh rất thấp.

Hà Phương

Nên đọc