Bộ Công thương đưa 5 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.

Với phương án 1, giá điện bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Cụ thể, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 – 330.000 đồng/hộ/tháng.

Hộ sử dụng từ 0 – 200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ), tiền điện trả tăng từ 17.000 – 36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

ban_le_dien

Ở phương án 2, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm 3 bậc (thay vì 6 bậc như hiện hành). Cụ thể, giá điện bậc 1 (từ 0 – 100 kWh); bậc 2 từ 101 – 400 kWh; bậc 3 từ 401 kWh trở lên. Cụ thể, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 301 kWh/tháng trở lên (khoảng 3,1 triệu hộ), tiền điện phải trả giảm từ 45.000 – 62.000 đồng/hộ/tháng. Hộ sử dụng từ 0 – 300 kWh/tháng (khoảng 22,3 triệu hộ), tiền điện phải trả tăng từ 4.000 – 30.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Với phương án 3, cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm 4 bậc thang. Cụ thể, giá điện bậc 1 từ 0 – 100 kWh; bậc 2 từ 101 – 300 kWh; bậc 3 từ 301 – 600 kWh; bậc 4 từ 601 kWh trở lên. Cụ thể, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51 – 100, 201 – 300 và 301 –  400 kWh/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ), tiền điện phải trả giảm từ 267.000 – 32.000 đồng/hộ/tháng.

Hộ sử dụng từ 0 – 50, 101 –  200 và từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 15,3 triệu hộ) tiền điện phải trả tăng từ 1.000 – 105.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Phương án thứ 5 là chia giá điện theo 5 bậc thang. Ở phương án này, Bộ Công thương đưa ra hai kịch bản.

Kịch bản 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 (cho 0 – 100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 – 200 kWh; bậc 3 từ 201 – 400 kWh; bậc 4 từ 401 – 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Theo tính toán, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.

Đối với kịch bản 2, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi: Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 – 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 – 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 – 400 kWh) của giá điện cũ.

Nhưng nhược điểm của kịch bản này là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 200 – 300 kWh/tháng (khoảng 3,6 triệu hộ) và từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ) phải trả tăng thêm khoảng từ 6.000 – 14.000 đồng/hộ/tháng (các nhóm khách hàng khác được giảm tiền điện phải trả). Mức tăng giá giữa các bậc là không đồng đều.

Vũ Sơn

Nên đọc