Phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với khách hàng
Cụ thể, dưới góc nhìn pháp lý, liên quan đến việc Viettel Post đã bị người dân tố làm mất 4.000 chiếc khẩu trang từ thiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa, trao đổi với PV Chất lượng và Cuộc sống, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay: “Theo quy định của pháp luật thì khẩu trang y tế là vật tư y tế, là tài sản và có thể định giá được bằng tiền. Bởi vậy trong vụ việc này câu chuyện không đơn giản chỉ là bồi thường thiệt hại khi đơn vị vận chuyển là mất tài sản mà còn có thể xem xét trách nhiệm pháp lý về hành vi trộm cắp tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với PV Chất lượng và Cuộc sống |
Luật sư Cường nhấn mạnh, đối với trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì đơn vị vận chuyển hàng hóa này phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với khách hàng. Giá trị số lượng khẩu trang bao nhiêu thì đơn vị vận chuyển này phải bồi thường bấy nhiêu cho khách hàng theo quy định của bộ luật dân sự và các quy định pháp luật trong lĩnh vực bưu chính.
Cụ thể, theo Điều 541 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa như sau: Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
Khách hàng nhận lại các thùng khẩu trang từ Viettel Post không còn được nguyên vẹn |
Cũng theo Luật sư Cường, tại Điều 24 Nghị định 47/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật bưu chính, có quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như sau:
– Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.
– Bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
Cũng theo Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, thông tin báo chí phản ánh khi khách hàng bàn giao hàng có hóa đơn, chứng từ, thống kê đầy đủ, hàng còn nguyên đai, nguyên kiện. Tuy nhiên khi đến bên nhận, trong quá trình vận chuyển thì hàng không còn nguyên vẹn, có dấu hiệu bị bóc vỡ, lấy đi một phần hàng hóa bên trong thùng. Đây là thủ đoạn tinh vi có dấu hiệu của hành vi trộm cắp tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu hình sự bởi vậy bên phải vận chuyển có quyền yêu cầu cơ quan điều tra vào xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi cơ quan điều tra xác minh làm rõ và xử lý đối với các đối tượng vi phạm thì đơn vị bưu chính này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật nêu trên, thiệt hại là toàn bộ giá trị hàng hóa và các chi phí phát sinh. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì có thể được giải quyết trong vụ án hình sự (nếu có) hoặc qua khởi kiện tranh chấp bằng vụ án dân sự theo thủ tục quy định chung.
Viettel Post phải xem lại quy trình làm việc
Trước đó, báo chí cũng đã liên tục phản ánh liên quan đến việc đơn vị chuyển phát Viettel Post trong quá trình vận chuyển hàng hóa khiến nhiều khách hàng thất vọng. Liên quan đến thông tin này, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, sau rất nhiều vụ việc lùm xùm xảy ra với doanh nghiệp bưu chính lớn này thì có lẽ đơn vị này cũng cần xem xét lại quy trình làm việc.
Viettel Post từng bị nhiều khách hàng phản ánh liên quan đến vận chuyển hàng hóa, dịch vụ kém |
Ngoài ra, “đơn vị này phải xem xét lại chất lượng nguồn lao động để xác định nguyên nhân ở đâu, người nào không hoàn thành nhiệm vụ, có người nào nảy lòng tham đối với tài sản của khách hàng hay không để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đồng thời duy trì uy tín của doanh nghiệp này đối với khách hàng cũng như với xã hội.
Ban lãnh đạo của đơn vị bưu chính này có thể yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc phía khách hàng bị mất tài sản có quyền trình báo sự việc để cơ quan điều tra vào cuộc làm sáng tỏ vấn đề để xử lý theo quy định”, Luật sư Cường lý giải.
Trước đó, phản ánh tới tòa soạn Chất lượng và Cuộc sống, anh Phạm Hồng Sơn (SN 1982, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TM–DV Du lịch Vịnh San Hô Đỏ) cho biết, ngày 28/3/2020, anh gửi 8 thùng khẩu trang tới tỉnh Thừa Thiên – Huế để chuyển tới bà con vùng sâu, vùng xa. Người nhận là anh Lê Thanh Bình (SN 1995, ngụ thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Đơn vị gửi 8 kiện hàng khẩu trang thông qua công ty vận chuyển Viettel Post. Đến chiều 31/3/2020, khi các kiện hàng đến Thừa Thiên – Huế, bưu tá Nguyễn Ngọc Tuấn giao hàng cho anh Bình nhưng anh Bình nhất định không nhận 8 thùng khẩu trang bởi hộp không còn nguyên đai nguyên kiện.
Theo biên bản nội dung của bưu tá Nguyễn Ngọc Tuấn giao hàng ghi rõ: “…Trong lúc giao hàng có thùng hàng còn băng keo dán, có thùng thấy móp, có thùng thấy nguyên đai, có thùng thấy hở băng keo, nên bưu tá cùng với anh Bình cùng nhau đồng kiểm, cắt ra thì thấy 8 thùng khẩu trang đều 30 hộp/thùng nên tiến hành cân thực tế. Trọng lượng quy đổi thùng là 17,625 kg, trên cân thực ở bàn cân chỉ 9,9 kg, nên anh Bình không nhận. Do đó, tôi viết bản giao hàng này xác nhận với anh Bình để tôi chở số lượng 8 kiện hàng khẩu trang về xử lý”.
Anh Sơn khẳng định, mỗi thùng khẩu trang Liz’N Health nhập từ Mỹ về nguyên đai, nguyên kiện có 40 hộp, mỗi hộp 50 cái, mỗi thùng tổng cộng 2.000 cái khẩu trang. Thế nhưng, khi anh Bình mở ra kiểm đếm chỉ có 30 hộp/thùng, có nghĩa 8 thùng khẩu trang bị mất 80 hộp (số lượng 4.000 cái khẩu trang).
“Trong khi cả nước đang gồng mình phòng, chống dịch Covid-19, rất nhiều công ty, cá nhân chung tay cùng Nhà nước phòng chống dịch bệnh, nhưng việc các thùng hàng do Viettel Post vận chuyển, có dấu hiệu bị tháo niêm, mất 10 hộp/thùng là không thể chấp nhận. Bởi lẽ, chúng tôi đã chuyển bằng đường hàng không rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ xảy ra tình trạng thùng hàng bị móc ruột”, anh Sơn bức xúc nói thêm.
Được biết, chương trình tặng 1 triệu khẩu trang Liz’N Health cho các tổ chức, đơn vị trên toàn quốc do các Công ty TNHH Việt Nam PROJECT; Công ty Cổ phần TM-DV Du lịch Vịnh San Hô Đỏ… tài trợ đang diễn ra đã gặp phải sự cố mất khẩu trang bởi công ty chuyên vận chuyển hàng hóa Viettel Post.
Liên quan đến vụ việc, PV Chất lượng và Cuộc sống đã liên hệ với bộ phận truyền thông của Công ty Viettel Post để có thông tin khách quan, tuy nhiên phía đơn vị này cho biết sẽ kiểm tra và sẽ thông báo lại sau.
PV sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo.
Hồng Liên
Nên đọc