Trước đây, mặc dù các hệ thống thanh toán trực tuyến và di động như Apple Pay đã xâm nhập vào đời sống, nhưng với nhiều chủ doanh nghiệp Đức và cả người tiêu dùng nữa, tiền mặt vẫn là nhất. Nhưng từ khi dịch COVID-19 bắt đầu, mọi sự đã đổi khác.
Văn hóa dùng tiền mặt
Với nhiều người Đức, sử dụng tiền mặt không chỉ là sở thích cá nhân; đó còn là giá trị văn hóa lâu đời đã đi theo cùng nhiều thế hệ – và nó gắn liền với giá trị dân tộc từ bao thế kỷ. Tiền mặt là giá trị tinh thần của quốc gia.
Sự ưa chuộng lâu đời đối với tiền mặt “dựa trên một ưu việt cơ bản là tiền mặt luôn cụ thể dễ hình dung hơn hẳn so với các phương thức trừu tượng khác” – Robert Muschalla, nhà nghiên cứu lịch sử tại Dortmund, là giám tuyển của triển lãm “Lịch sử Giá trị Đức” mở tại Bảo tàng Lịch sử Đức ở Berlin hồi 2018, nói.
Muschalla nói rằng ý thức hệ này xuất hiện vào cuối Thế kỷ 18, khi nền kinh tế phát triển và người Đức bắt đầu xã hội hóa nhằm ưu tiên giá trị hữu hình có được từ sức lao động của mình so với các hình thức trừu tượng khác, chẳng hạn như giấy ghi nợ.
Một thế kỷ sau, với tình trạng các cuộc đụng độ giữa chủ và thợ ngày càng phổ biến, Muschalla nói rằng việc khuyến khích tiết kiệm được xem là một cách để giảm căng thẳng trong nhà máy. Các giá trị tiết kiệm tồn tại xuyên suốt qua những thời kỳ khủng hoảng kinh tế trong cả hai cuộc đại chiến thế giới.
Đối với nhiều dân Đức, việc dùng tiền mặt như một thứ văn hóa |
Sau Thế chiến II, ông nói thêm, các ngân hàng nhận giữ tiền tiết kiệm phản đối việc đưa ra các chính sách cấp tín dụng cho người tiêu dùng, do sợ rằng điều này sẽ gây tổn hại cho văn hóa tiết kiệm.
Vào thời điểm các loại thẻ ngân hàng đã được phát hành rộng khắp ở hầu hết châu Âu và Mỹ thì người Đức vẫn hài lòng với văn hoá dùng tiền mặt.
Lớn lên ở Bavaria vào thời thập niên 1980 và 90, Anna Steigemann, phó Giáo sư nghiên cứu đô thị tại Đại học Kỹ thuật Berlin, nhớ rằng gia đình cô thường rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng mỗi tuần một lần, số tiền còn lại thì nằm yên trong tài khoản.
Maik Klotz, 44 tuổi, đồng sáng lập Payment & Banking, một tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực sáng chế trong công nghệ tài chính, nói rằng cha mẹ ông đã dạy ông từ khi còn nhỏ là phải luôn coi trọng tiền mặt. Khi ông lớn lên, việc thanh toán bằng thẻ ghi nợ cũng chưa phải là phổ biến.
“Hồi đó, nỗi sợ không theo dõi được việc chi tiêu và sự bị lợi dụng thẻ rất là cao” – ông nói, và cho biết thêm rằng cha mẹ ông cho đến nay vẫn ngờ vực độ an toàn của việc thanh toán thẻ.
Thay đổi dần dần rồi rộng khắp
Trong những năm gần đây, cách thức chi trả các khoản chi tiêu của Đức đã phát triển nhiều. Năm 2017, một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Đức đối với các khoản thanh toán của người tiêu dùng ghi nhận thói quen sử dụng tiền mặt có sự thay đổi một cách chậm chạp nhưng tương đối ổn định, cho thấy 88% người Đức vẫn muốn tiếp tục sử dụng tiền mặt trong tương lai.
Cũng nghiên cứu đó cho thấy người Đức bỏ trong ví trung bình là 107 euro (tương đương 116 USD, 95 bảng Anh); còn một năm trước đó, bản phúc trình của Ủy ban Ngân hàng Châu Âu cho thấy người Đức dẫn đầu trong khối sử dụng đồng tiền chung euro về việc mang tiền mặt trong người.
Nhiều người Đức tiết kiệm bằng cách thường xuyên bỏ tiền vào heo đất |
Năm 2018 là thời điểm lần đầu tiên tổng giá trị các khoản trả bằng thẻ ở cửa hàng cao hơn các khoản trả bằng tiền mặt, theo Viện Nghiên cứu Hoạt động Bán lẻ EHI có trụ sở tại Cologne: 48,6% thanh toán thẻ, 48,3% trả tiền mặt. Tuy nhiên, tiền mặt đã được sử dụng trong 76% các giao dịch bán lẻ, và vẫn chiếm đa số trong các khoản mua sắm giá trị nhỏ.
Nghiên cứu năm 2017 của Ngân hàng Trung ương Đức cho thấy những người Đức trẻ tuổi đang tìm kiếm các lựa chọn thanh toán mới.
Tuy nhiên, có những quan ngại rằng việc chuyển sang văn hóa không dùng tiền mặt sẽ ảnh hưởng đến thế hệ người cao tuổi và những người có thu nhập thấp, là những người có thể không dùng tài khoản ngân hàng. Người ta cũng nhắc tới cả mối lo ngại về xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt là trong số những người tiêu dùng lớn tuổi.
Nhiều người Đức lớn tuổi ít tin tưởng hơn so với dân chúng tại nhiều nước châu Âu khác khi áp dụng giải pháp công nghệ mới.
Không phải chỉ có người tiêu dùng lớn tuổi mới ngại ngần. Các cơ sở làm ăn buôn bán nhỏ vẫn thích sự giản tiện của tiền mặt hơn, bao gồm cả các chủ cơ sở thuộc thế hệ thiên niên kỷ.
Sami Gottschalk, 28 tuổi, sở hữu tiệm hớt tóc MINE ở khu nghệ sỹ của Berlin. Tiệm luôn từ chối thanh toán thẻ vì anh thấy làm vậy thì đơn giản hơn là cứ phải xoay qua đổi lại theo dõi xem trong ngăn kéo thu được bao nhiêu tiền, nhận trả qua thẻ là bao nhiêu.
Chuyển sang dùng thẻ vì dịch COVID-19
“COVID-19 có lẽ đã thay đổi thói quen thanh toán của người Đức nhanh hơn bất kỳ phát minh công nghệ nào” – ông Georg Hauer, Tổng giám đốc khu vực Đức-Áo-Thụy Sĩ của N26, một công ty khởi nghiệp về lĩnh vực ngân hàng trực tuyến có trụ sở tại Berlin, cho biết.
Kể từ khi Covid-19 bắt đầu lây lan khắp thế giới, việc ỷ lại vào tiền mặt của người Đức đã chấm dứt. Chỉ trong vài tuần, nhiều nơi không còn mặn mà với tiền mặt nữa, có nơi còn từ chối hoàn toàn.
Tất nhiên, Đức không phải là quốc gia duy nhất xảy ra việc phải từ bỏ thói quen dùng tiền mặt do hậu quả của đại dịch: Một cuộc khảo sát ở Anh, nơi 50% người dân được ước tính là không dùng tiền mặt, cho rằng 75% người dân sử dụng ít tiền mặt hơn do sự bùng phát lây nhiễm virus.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, đa số người Đức trả bằng thẻ khi mua hàng |
Tuy nhiên, sự thay đổi ở Đức trở nên đặc biệt đáng chú ý vì sự ưa thích đối với tiền mặt của người Đức.
“Dịch Covid-19 là thời điểm đầu tiên các nhà bán lẻ lớn nhất của Đức bắt đầu tích cực thúc đẩy việc sử dụng các phương thức thanh toán không tiếp xúc” – Hauer từ hãng N26 nói – “Từ các cửa hàng tạp hóa đến những trạm xăng dầu, từ các biển báo trong cửa hàng cho đến thậm chí là nhiều quảng cáo trên đài phát thanh, các nhà bán lẻ lớn đều khuyến khích người Đức thay đổi thói quen dùng tiền mặt”.
Các nhà bán lẻ nhỏ trước đây vốn chỉ nhận tiền mặt nay cũng thay đổi quan điểm: “Không chỉ hầu hết trong số họ bắt đầu chấp nhận thanh toán thẻ, mà một số cơ sở kinh doanh giờ đây còn chỉ nhận thẻ mà thôi, nhất là ở Berlin”.
Một khảo sát của Ngân hàng Trung ương Đức cho thấy rằng những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người Đức trong thời dịch bệnh COVID-19 còn nhờ vào một cuộc điều chỉnh được đưa ra vào cuối tháng 3, theo đó tăng gấp đôi hạn mức cho các giao dịch không cần trực tiếp chạm vào thẻ lên tới mức 50 euro. (Ở Anh, hạn mức này đã được tăng từ 30 bảng lên 45 bảng kể từ tháng 4, nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ nhiều hơn).
Đến cuối tháng 4, 43% số người được hỏi cho biết họ đã thay đổi thói quen chi trả, so với 25% vào đầu tháng. 68% những người thay đổi thói quen nói rằng từ nay nhiều khả năng là họ sẽ sử dụng thẻ nhiều hơn.
Một cuộc khảo sát mới khác, được thực hiện bởi Sáng kiến Hệ thống Thanh toán Đức, cho thấy rằng 57% người Đức dùng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng nhiều hơn so với trước khi xảy ra đại dịch, và gần một nửa đã “giảm đáng kể” việc sử dụng tiền mặt.
Tại N26, Hauer cho biết, hãng đã ghi nhận số lần rút tiền ít hơn 56% từ các máy ATM trong tháng đầu tiên nước Đức thực hiện phong tỏa so với tháng trước đó.
Một cuộc khảo sát nội bộ của Hauer cho thấy 55% người Đức (chọn mẫu từ 10.000 khách hàng trên khắp các thị trường chính của ngân hàng) đã “có những thay đổi trong ưu tiên tài chính cho năm 2020”. Khoảng 2/3 số người được hỏi cho biết họ đã để dành nhiều tiền hơn trước cuộc khủng hoảng.
Hết dịch COVID-19 lại quay về với văn hóa tiền mặt?
Thật khó để tưởng tượng tiền mặt có thể chiếm lại ngôi vua trước đây trong đời sống tiêu dùng của người Đức. Theo quan điểm của Hauer, COVID-19 đã đem lại một cú hích cho sự thay đổi mà xã hội đã sẵn sàng tiếp nhận. Tất cả những điều này cùng nhau đã giúp thúc đẩy một sự chuyển đổi trong hành vi: tốc độ và mức độ thay đổi cho chúng ta biết rằng đó là điều khó thực hiện, nhưng mọi người cần một lý do mạnh mẽ để phá bỏ thói quen cũ.
Trong khi dịch đang còn, xu hướng thanh toán thẻ sẽ tăng mạnh tại Đức |
Hauer nói rằng N26 tin là COVID-19 sẽ “làm tăng tốc” trên đường hướng tới một tương lai, trong đó “thanh toán bằng tiền mặt sẽ là trường hợp ngoại lệ chứ không phải là chuyện đương nhiên”.
Ingo Limburg, người đứng đầu Sáng kiến Hệ thống Thanh toán Đức, nói với báo DW vào hôm 7/5 rằng ông hy vọng người dân sẽ tiếp tục sử dụng thẻ nhiều hơn: “Chúng tôi cho rằng xu hướng thanh toán thẻ sẽ tăng mạnh”.
Tại tiệm hớt tóc MINE, Gottschalk vào lúc này vẫn ưa tiền mặt – gel khử trùng tay luôn để ngay tại máy tính tiền, nhưng anh cũng sẵn sàng thay đổi.
“Tôi không nghĩ rằng mọi người sẽ lại quay về dùng tiền mặt nhiều như trước” – anh nói – “Bây giờ đúng là thanh toán thẻ bắt đầu ngày càng nhiều, và nó chắc chắn là thứ mà chúng ta có thể phải ghi nhận trong tương lai. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có thể tiếp tục duy trì được thói quen chỉ nhận tiền mặt như trước đây nữa”.
Khánh Phương
(Theo BBC News – Ảnh: Getty)
Nên đọc