Mới đây trong báo cáo tình hình kinh tế 10 tháng đầu năm 2018, TP.HCM cho biết, 10 tháng qua trên địa bàn thành phố này có 35.585 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, trong đó 7,2% số đó là doanh nghiệp bất động sản. Tức là trong hơn 3 quý đầu năm nay, chỉ riêng tại TP.HCM có gần 2.600 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản thành lập mới.

Tuy nhiên, trong khoảng 7 tháng đầu năm 2018, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể đã tăng 75,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là ngành nghề có tỷ lệ doanh nghiệp hoàn tất giải thể cao nhất trong tất cả các ngành nghề được liệt kê.

20171026094725-ed92
Thị trường sẽ đào thải các công ty môi giới làm ăn không uy tín. Ảnh: ST

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong thời gian qua là 773 doanh nghiệp, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng kinh doanh cũng dẫn đầu với mức tăng 46,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nguyên nhân dẫn tới việc này là do các địa phương đang tích cực triển khai công tác chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ lâu nhưng không còn hoạt động. Sau khi rà soát, những doanh nghiệp này được chuyển sang tình trạng chờ giải thể.

Mặt khác, theo đánh giá của nhiều chuyên gia bất động sản, nguyên nhân còn do từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản nhiều nơi giao dịch chậm, thị trường trầm lắng. Những doanh nghiệp môi giới nhỏ lẻ, làm ăn chụp giật, hoạt động “ăn theo” tình hình thị trường không cầm cự nổi nên tự giải thể, đóng cửa.

Giám đốc một công ty môi giới có trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh chia sẻ, hồi đầu năm công ty nhận làm môi giới cấp một cho dự án ở Q.9. Lúc đó tuyển nhân sự liên tục, có lúc độ sales lên tới 200 nhân sự để chạy dự án. Tuy vậy, đến nay công ty chỉ còn duy trì ở múc 70 – 90 nhân sự vì không có sản phẩm bán.

Khảo sát của phóng viên tại một số công ty môi giới bất động sản, hiện nay việc tìm kiếm sản phẩm để bán là vô cùng khó khăn vì hầu như thị trường không có dự án mới. Các dự án tỉnh lẻ thì rất khó làm vì không rành địa bàn.

“Chúng tôi đang phải chuyển hình thức qua cho thuê, hoặc bán sản phẩm sang tay từ khách hàng tại các dự án cũ, để duy trì hoạt động cho công ty”, trưởng nhóm kinh doanh của một công ty môi giới bất động sản cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, thừa nhận đang có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung dự án bất động sản, thiếu hụt nguồn cung qũy đất sạch phục vụ đầu tư phát triển. Tình trạng này chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, nên sẽ tác động lớn đến quan hệ cung – cầu trên thị trường bất động sản. 

“Trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở; kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố, và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó, nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản, giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn”, ông Châu kỳ vọng.

Tuy vậy, với tình hình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp môi giới nhỏ lẻ, làm ăn chụp giật, hoạt động “ăn theo” tình hình thị trường rất khó cầm cự nổi vì vậy sẽ phải tự giải thể hoặc đóng cửa.

Vũ Sơn

Nên đọc