Đại dịch Covid-19 đã khiến đơn hàng xuất nhập khẩu liên tục bị hủy gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các doanh nghiệp thủy sản. Đứng trước tình thế đó, rất nhiều doanh nghiệp đã đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 đi lùi so với năm trước.

Là một “ông lớn” trong ngành, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) lần đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lùi. Trong báo cáo thường niên, công ty công bố cả 2 kịch bản cho năm 2020. Với kế hoạch thứ nhất, doanh thu và lãi sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm lần lượt 18% (6.450 tỷ đồng) và 32% (800 tỷ đồng) so với kết quả năm 2019. Còn với kế hoạch thứ hai, tuy đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% (8.600 tỷ đồng), nhưng lãi sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm 9% (1.063 tỷ đồng).

Công ty xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa (KSE) lên kế hoạch lãi sau thuế năm 2020 giảm mạnh 83% so với kết quả năm trước, xuống chỉ còn 1,2 tỷ đồng. Thủy sản Khánh Hòa cũng đưa ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 60 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 2 triệu USD.

unnamed (1)
Khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã thận trọng đặt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020 tạm lùi so với năm trước.

Tương tự, CTCP Nam Việt (Navico) đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 72%. Mức giảm đáng kể sau 2 năm liên tiếp “bùng nổ”. Cụ thể, theo báo cáo thường niên năm 2019 của Navico công ty hướng tới mục tiêu năm 2020 với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3.000 tỉ và 200 tỉ đồng, giảm 34% và 72% thực hiên năm trước. Tỉ lệ cổ tức 10%, bằng một nửa năm 2019.

Sau 3 năm lỗ liên tiếp từ 2017-2019 (2017 lỗ 164 tỷ đồng; 2018 lỗ 10 tỷ đồng; 2019 lỗ 5 tỷ đồng), năm nay, Công ty CP Ntaco kỳ vọng thoát lỗ với mục tiêu lãi sau thuế 50 tỷ đồng.

Vừa mới bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE và chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ ngày 17/02/2020, Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang đặt mục tiêu năm 2020 lãi trước thuế 22 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tục từ 2017-2019. AGF dự kiến trong năm 2020 sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng để nâng thị phần trong nước và xuất khẩu, đưa ra thị trường các sản phẩm mới bù đắp cho sản phẩm fillet bị thu hẹp. 

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu xem xét đề xuất với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ GTVT và các ban ngành liên quan để có gói các giải pháp hỗ trợ cụ thể liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, logistic trong phạm vi cảng biển, nhất là các doanh nghiệp thủy sản và hàng đông lạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vasep kính đề nghị Bộ trưởng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách: Hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5,000 pallet trở lên. Đồng thời, hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

 Vy Vy

Nên đọc