Chênh lệch huy động – tín dụng nới rộng khiến tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng nên CTCP Chứng khóan SSI dự báo, lãi suất tiền gửi vẫn có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
Hiện nay, chênh lệch huy động – tín dụng nới rộng |
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước không thực hiện giao dịch trên thị trường mở, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng đi ngang, chốt tuần ở mức 0,19%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,24%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Trong tháng 8, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm từ 20 – 40bps ở các kỳ hạn ngắn và 0 – 20bps ở các kỳ hạn dài. Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 50 – 210 bps ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi không có nhiều thay đổi trong tuần đầu tháng 9, phổ biến ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2 – 6.0%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5 – 6,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ đi ngang
Kho bạc Nhà nước có phiên đấu thầu đầu tháng 9 khá thành công với 97% lượng gọi thầu được phát hành hết. Lãi suất trúng thầu 2 kỳ hạn 10 và 15 năm không đổi ở mức 2,9%/năm và 3,07%/năm sau khi đã tăng liên tục tổng cộng 10bps và 6bps trong tháng 8. Nhu cầu của các ngân hàng thương mại đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm tăng vọt, toàn bộ 750 tỷ đồng gọi thầu được phát hành hết dù lãi suất trúng thầu giảm 2bps.
Trong 8 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 168,5 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tăng 14% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 65% kế hoạch phát hành 2020. Lãi suất phát hành bình quân là 2,91%/năm – thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 4,6%/năm của 2018 – 2019 trong khi kỳ hạn phát hành bình quân vẫn ở mức tương đương là 13,2 năm.
Nếu theo kế hoạch phát hành quý 3/2020, lượng phát hành trái phiếu Chính phủ trong tháng 9/2020 còn khá lớn (48.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tiền tệ thận trọng, mặt bằng lãi suất thấp trên liên ngân hàng vẫn được duy trì, lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định trong tới.
Lợi tức trên thị trường thứ cấp gần như không đổi ở các kỳ hạn. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (Y) (0,34%, +1 bp); 3Y (0,77%; 0 bp); 5Y (1,72%, +1 bp); 10Y (2,90%, +1 bp); 15Y (3,08%, 0 bp); 20Y (3,36%, 0 bp); 30Y (3,51%, 0 bp). Thanh khoản liên tục sụt giảm kể từ đầu tháng 8 đến nay, tổng giá trị giao dịch tuần qua chỉ ở mức 29.500 tỷ đồng, -15,3% so với tuần trước.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 199 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay vẫn mua ròng 2.960 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào
Tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới hơn 27 triệu ca. Tuy nhiên, các thông tin về triển vọng vắc xin đã khiến tâm lý giới đầu tư toàn cầu có phần tích cực hơn. Các tài sản trú ẩn như JPY và vàng đều hạ nhiệt, giảm lần lượt -0,83% và -1,57% trong tuần qua.
Tuyên bố cho phép lạm phát vượt ngưỡng 2% của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến đồng USD tiếp tục bị bán tháo, chỉ số DXY giảm xuống 92,7, hỗ trợ CNY phục hồi 0,33% bất chấp sự đe dọa áp đặt các biện pháp kiểm soát với các công ty công nghệ Trung Quốc của Mỹ.
Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại tháng 8 thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD và lũy kế 8 tháng thặng dư 10,93 tỷ USD. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã giúp Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào lượng lớn ngoại tệ trong tháng 8, dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức 92 tỷ USD và Chính phủ kỳ vọng sẽ tăng lên mức 100 tỷ USD vào cuối năm nay.
Tỷ giá USD/VND niêm yết của các ngân hàng thương mại tiếp tục đi ngang ở mức 23.060 (mua vào)/23.270 (bán ra) và tăng nhẹ +10VND/USD trên thị trường tự do, lên mức 23.190 (mua vào)/23.220 (bán ra). Cung cầu ngoại tệ đang rất thuận lợi và USD vẫn chịu áp lực giảm giá trên thị trường quốc tế nên CTCP Chứng khoán SSI dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới.
Nguyễn Như
Nên đọc