Dự án Khu dân cư Lilama 584 Building Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú hiện đang nợ gần 300 tỷ đồng và đang chờ nhà đầu tư mới “thay máu”. |
Dự án lần lượt rơi vào tay ngân hàng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản nợ của khách hàng là CTCP Phú Mỹ Trung Việt vay tại BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 2. Công ty Phú Mỹ Trung Việt có tên cũ khi bán nợ sang VAMC là CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama – SHB. Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này là 7 quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của dự án Khu dân cư căn hộ cao tầng 584 Lilama SHB Plaza (Q.Gò Vấp, TP.HCM) thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584. Đây cũng là dự án thứ 2 của Công ty 584 bị phát mãi ở TP.HCM. Trước đó, Khu căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng bị BIDV phát mãi thu hồi tài sản.
Ông Trần Nam Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty 584 cho biết, trước đây công ty có rất nhiều dự án nhưng hiện nay chỉ còn lại 3 dự án, đó là: Khu căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên, Khu dân cư căn hộ cao tầng 584 Lilama SHB Plaza và dự án Khu dân cư Lilama 584 Building Trịnh Đình Trọng (Q.Tân Phú, TP.HCM). Trong số 3 dự án này đã có 2 dự án bị ngân hàng “siết nợ”.
Theo ông Kha, hiện các dự án bị ngân hàng thu hồi mà chưa xử lý được thì để đó và tìm đầu ra cho dự án. Đối với dự án Khu dân cư Lilama 584 Building Trịnh Đình Trọng, nếu giờ có doanh nghiệp nào vào trả tiền lại cho khách hàng và làm lại dự án thì được chứ đối với Công ty Lilama hay Công ty 584 giờ cũng chịu, không thể làm gì được vì không còn hạn mức tín dụng nữa nên đâu thể vay vốn ngân hàng, đâu có vốn để triển khai tiếp.
Khu căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên đã bị Ngân hàng BIDV phát mãi thu hồi tài sản. |
Khách hàng sẽ trắng tay?
Đại diện Công ty 584 cho biết, trước đây dự án Khu căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên cũng có Vingroup, Hưng Thịnh “nhảy vào” nhưng họ không mặn mà lắm, nên cuối cùng đã rút lui. Hiện nhiều khách hàng muốn lấy lại tiền gốc tại dự án này mà công ty cũng không có tiền trả nên phải đi vận động bạn bè để vay mượn và lấy chính căn hộ của khách hàng làm thế chấp để người cho vay tin tưởng.
Riêng dự án Khu dân cư Lilama 584 Building Trịnh Đình Trọng có giấy phép từ năm 2009 và đã từng xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội và cũng đã được chấp thuận nhưng cuối cùng không thực hiện được. Công ty hiện nợ gần 300 tỷ đồng tại dự án này nhưng dự án có tới 25.000m2 kinh doanh, nếu xây xong, hoàn thiện và giao nhà thì bán giá khoảng 25 triệu đồng/m2. Với giá bán này, dự kiến công ty sẽ thu về hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, nhiều khách hàng bị kẹt lại tại dự án đang muốn lấy lại tiền gốc. Mặc dù rất thông cảm với khách hàng nhưng công ty không tìm đâu ra nguồn tiền để trả cho họ.
“Hiện Công ty 584 đã hội đủ điều kiện phá sản (nợ nhiều quá – PV), ngân hàng sẽ ưu tiên trả trước các khoản thuế, bảo hiểm, vốn vay, lãi suất… rồi mới tới người mua nhà nên chúng tôi cứ ráng cầm cự dự án cho đến giờ phút này” – ông Kha chia sẻ thêm.
Theo bà Bích Ngọc, khách hàng mua căn hộ tại dự án Lilama 584 Building Trịnh Đình Trọng, hiện nay dự án đã xây xong phần thô, chỉ cần hoàn thiện nữa là khách hàng có thể nhận nhà vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện, bỏ mặc khách hàng. Mấy trăm khách hàng chúng tôi vác đơn đi cầu cứu khắp nơi nhưng cuối cùng dự án vẫn không nhúc nhích. Chúng tôi không biết khi nào mới nhận nhà, trong khi mấy năm nay phải ở nhà thuê, nhà mướn khiến cuộc sống gia đình rất khó khăn.
Còn theo khách hàng Minh Đức, mua căn hộ từ năm 2009 chua chát chia sẻ: “Tôi và hàng trăm khách hàng đã vác đơn đi gõ cửa nhiều nơi, nhiều năm nay rồi nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Bây giờ chúng tôi chỉ yêu cầu và mong mỏi chủ đầu tư hoàn lại tiền mua lúc ban đầu cho chúng tôi thôi cũng đủ rồi”.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tình trạng nhiều dự án trên địa bàn thành phố bị dở dang có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản nhất là do doanh nghiệp “kẹt” vốn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần động viên để doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện dự án, bảo đảm quyền lợi khách hàng. Đồng thời nếu doanh nghiệp không còn khả năng thực hiện dự án thì tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển nhượng dự án cho những nhà đầu tư mới có năng lực để tiếp tục hoàn thiện.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), trường hợp BIDV bán đấu giá thành công dự án để xử lý nợ xấu, khách hàng sẽ không được ưu tiên xử lý. Theo quy định về thứ tự ưu tiên giải quyết, ngân hàng sẽ ưu tiên xử lý tiền nợ thuế, các nghĩa vụ liên quan đến Nhà nước (nếu có) của chủ đầu tư, tiếp đó sẽ ưu tiên xử lý cho đơn vị có giao dịch bảo đảm, số tiền còn dư mới xử lý tiếp cho khách hàng. Như vậy, nếu chủ đầu tư 584 làm đơn phá sản thì khách hàng vẫn là người chịu thiệt và có khả năng trắng tay.
Tấn Lợi
Nên đọc