Mục lục
Tình trạng mụn xuất hiện trên da là tình trạng khá phổ biến. Tùy tình trạng cũng như loại mụn mà mọi người sẽ tìm đến những cách chăm sóc da mặt bị mụn phù hợp. Dưới đây là các loại mụn thường xuất hiện trên da và các khắc phục của từng loại.
Nguyên nhân gây mụn
1. Nguyên nhân bên trong
Thay đổi hormone
Các loại mụn thường hay yêu thích và “kết bạn” cùng các cô nàng ở độ tuổi dậy thì. Hiểu đơn giản rằng thời điểm này, giai đoạn các hormone bị rối loạn và chưa kịp thích ứng nên các tuyến bã nhờn dưới da hoạt động mạnh hơn, da không kịp “thở” gây nên hiện tượng tắc nghẽn lỗ chân lông. Từ đó, tình trạng mụn cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Ngoài ra, nếu bạn đang trong thời gian mang thai hoặc đang dùng thuốc tránh thai thì cũng có nguy cơ cao phải đối mặt với mụn đấy!
Tâm trạng căng thẳng
Một nguyên nhân khiến mụn “ùn ùn” kéo tới chính là do bạn luôn trong trạng thái căng thẳng, stress khiến da xuống cấp trầm trọng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến làn da trở nên lão hóa, sần sùi, thiếu sức sống, xỉn màu và kích thích mụn phát triển. Cho nên để có được làn da đẹp, sạch mụn dài lâu, bạn cần phải biết chăm sóc sức khỏe tinh thần thật tốt, thoải mái trong suy nghĩ và luôn dành thời gian để bản thân được thư giãn.
Chế độ ăn uống
Nếu muốn sở hữu làn da đẹp thì bạn phải quan tâm hơn đến chế độ ăn uống hằng ngày của mình. Ăn nhiều đường, thức ăn nhanh, hay sử dụng chất kích thích sẽ không hề có lợi cho sức khoẻ và làn da. Bạn nên bổ sung đầy đủ các loại vitamin qua việc ăn trái cây và rau xanh, đặc biệt là uống đủ nước mỗi ngày.
Thiếu ngủ
Tình trạng thiếu ngủ cũng sẽ dẫn đến sự mất cân bằng và rối loạn hormone đó nàng nhé. Một giấc ngủ sâu, ngủ ngon và ngủ đủ sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi và thải độc hiệu quả nhất.
Di truyền
Mụn cũng có khả năng di truyền từ cha mẹ bạn hoặc cao hơn nữa là ông và bà… Nếu gặp tình trạng mụn như vậy, bạn cần thiết lập thời gian dài và chuẩn bị tinh thần chiến đấu trường kì. Nhưng không phải cứ có yếu tố di truyền sẽ hình thành mụn, mà còn do nhiều nguyên nhân khác tác động.
Sự tích tụ độc tố trong cơ thể
Bạn nên lưu ý rằng không đơn giản mà các phong trào detox giải độc ngày một nhiều hơn. Đôi khi, độc tố tồn tại quá lâu trong cơ thể không chỉ khiến bạn suy giảm sức đề kháng mà còn gặp phải nhiều bệnh lý về da, trong đó có mụn.
2. Nguyên nhân bên ngoài
Vi khuẩn
Hằng ngày, làn da phải tiếp xúc với quá nhiều bụi bẩn từ bên ngoài và nếu bước làm sạch da của bạn không kĩ càng sẽ gây nên tình trạng bít tắc lỗ chân lông.
Ánh nắng mặt trời
Nếu đứng dưới ánh nắng hay chịu tác động từ ánh nắng mặt trời quá lâu cũng sẽ dễ hình thành mụn.
Khí hậu, thời tiết
Với mùa hè, thời tiết nóng bức, làn da dễ đổ dầu và dễ mụn. Nhưng ngược lại vào mùa đông, thời tiết lạnh thì làn da khô mất nước cũng sẽ là nguyên nhân hình thành mụn.
Mỹ phẩm
Một trong những nguyên nhân chủ yếu thường gặp phải là xuất phát từ các sản phẩm mà bạn đang dùng, ví dụ như kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt, toner, kem chống nắng, sản phẩm chăm sóc tóc, nước hoa, make-up… Nếu bạn không chắc sản phẩm nào có thể gây mụn thì lưu ý các thành phần dưới tác nhân dẫn đến mụn trên da như Silicones, mica, Zinc Oxide, Titanium Dioxide, Bismuth Oxychloride, Shea Butter, 1-2 Octanediol, 2 Phenoxyethanol, Ammonium lauryl sylphate, Capryl Glycol, Caprylic Acid, Organic Sodium Cocoate, dầu dừa…
Quá trình phát triển của mụn
Giai đoạn 1: Sừng hoá lỗ chân lông
Đây là lúc khó nhận biết nhất làn da chuẩn bị nổi mụn, khi mà tuyết bã nhờn bị bít tắc ở lỗ chân lông khiến làn da trở nên sần sùi hơn. Cách tốt nhất để ngăn ngừa từ giai đoạn này là bạn hãy tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần để làn da được làm sạch sâu.
Giai đoạn 2: Hình thành mụn
Qua giai đoạn sừng hoá, lỗ chân lông bị bít tắc hoàn toàn tạo nên mụn đầu trắng. Còn mụn đầu đen là những vùng viêm của lỗ chân lông bị hở miệng, bị oxy hoá khi tiếp xúc với không khí gây nên màu đen. Nhưng mụn đầu đen không được xử lý cũng sẽ trở thành mụn viêm. Ở giai đoạn này bạn nên xông mặt và lấy mụn (có thể tự lấy hoặc đến spa).
Giai đoạn 3: Viêm nhiễm
Khi vùng da bị vi khuẩn P.acnes làm cho viêm nhiễm sẽ khiến mụn đỏ lên, sưng tấy và sờ nhẹ vào sẽ thấy đau. Bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ giảm viêm để đắp trong thời gian này và tránh sờ tay vào những nốt mụn.
Giai đoạn 4: Mụn mủ
Các tế bào bạch cầu chết đi và tích tụ trong lỗ chân lông, kết hợp cùng với các mảnh vụn và chất lỏng khác tạo thành mụn đầu trắng có mủ gọi là mụn mủ. Nhưng mụn này chỉ viêm ở nang lông nên sẽ không gây ra sẹo như mụn bọc.
Giai đoạn 5: Mụn bọc
Khi tình trạng viêm nhiễm nặng nhất chính là mụn bọc, gây đau nhức và để lại sẹo nhiều nhất. Nếu làn da ở tình trạng này bạn nên đến các chuyên gia da liễu để được thăm khám và điều trị đúng cách nhất.
Các loại mụn khác nhau và cách trị từng loại mụn hiệu quả
1. Mụn trứng cá
Là loại mụn mà khá phổ biến với đặc điểm là khó nhận biết. Hiện tượng của mụn trứng cá thường là sưng tấy đi kèm. Khi xác định được thì lại khó xác định được vị trí nhân mụn. Mụn có thể mọc khắp khuôn mặt mà không cố định ở vị trí nào rõ ràng cả. Mụn trứng cá cần đảm bảo điều trị đúng và kịp thời. Nếu tình trạng kéo dài sẽ biến thể sang tình trạng mụn nặng hơn như mụn bọc, mụn mủ.
Cách trị mụn trứng cá tại nhà là giữ sạch làn da để ngăn chặn tình trạng mụn ngày càng xấu đi cũng như ngăn chặn sự hình thành và phát sinh mụn mới. Ngoài ra, bạn cũng cần sử dụng kết hợp các sản phẩm chuyên biệt nhằm làm nhân mụn chín. Như vậy sẽ dễ dàng lấy ra để làm sạch da mặt một cách nhanh nhất.
2. Mụn đầu đen
Đây là loại mụn mà bạn thấy trên da. Mụn đầu đen được hình thành do chất bã nhờn kèm bụi bẩn tích tụ nơi lỗ chân lông trên da mặt. Hoặc mụn đầu đen cũng là do tế bào chết của da đào thải. Nhân mụn đầu đen thường cứng do quá trình oxy hóa gây nên. Mụn đầu đen có thể xuất hiện trên nhiều vùng da khác nhau. Thông thường bạn sẽ bắt gặp nhiều hơn ở phần chóp mũi, phần cằm và khóe miệng.
Để điều trị mụn cho vùng da này bạn sẽ phải nâng cao vấn đề làm sạch da mặt. Một làn da sạch sẽ đảm bảo không có môi trường để mụn đầu đen xuất hiện. Rửa mặt bằng sữa rửa mặt chuyên dụng sẽ giúp bạn làm sạch mụn. Hơn nữa sữa rửa mặt giúp bạn lấy đi lượng dầu thừa đồng thời cân bằng lại lượng dầu tiết ra trên da. Bạn cũng có thể sử dụng kết hợp với mặt nạ trị mụn đầu đen chuyên sâu để lấy đi những nhân mụn đầu đen đã chín.
3. Mụn đầu trắng
Tuy có cùng hiện trạng như mụn đầu đen nhưng mụn đầu trắng lại không bị quá trình oxy hóa làm nhân mụn cứng hay đen lại mà vẫn giữ nguyên hình dạng. Tuy nhiên, mụn đầu trắng sẽ làm lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
Để điều trị mụn đầu trắng bạn cũng cần đảm bảo nguyên tắc làm sạch để có thể lấy được nhân mụn đầu trắng đã chín. Điều này đồng thời ngăn chặn những mụn đầu trắng khác có thể xâm nhập. Chọn loại sữa rửa mặt trị mụn tốt nhất phù hợp và kết hợp cùng đắp mặt nạ để làm sạch những nốt mụn đầu trắng.
4. Mụn mủ
Đúng như tên gọi của loại mụn này, bạn sẽ thấy phần mủ trắng vàng đục hiện rõ trên bề mặt da và đi kèm cảm giác đau khi chạm vào. Với những mụn mủ khuyến cáo an toàn nhất cho bạn là không nên cố gắng lấy ngay mủ mụn ra bằng mọi cách. Vì nó sẽ dễ tái phát và còn khiến tình trạng mụn nặng nề hơn nữa.
Điều trị mụn mủ cần phải cẩn thận hơn các loại mụn khác khá nhiều. Bạn vẫn cần phải đảm bảo luôn làm sạch da. Việc này giúp tránh tình trạng mụn bị viêm nhiễm nặng hơn. Bạn có thể dùng thêm sản phẩm hỗ trợ để mụn chín rồi mới lấy nhân ra. Nếu không mụn sẽ dễ tái phát cũng như bị nặng hơn.
Ngoài những loại mụn căn bản thường gặp ở da mặt kể trên, bạn còn gặp những loại mụn nặng hơn như mụn đinh, mụn nang… Cách khắc phục nhìn chung của tất cả các loại mụn là bạn luôn phải đảm bảo tình trạng sạch của da. Tùy vào loại mụn mà bạn có thể sử dụng sản phẩm chăm sóc da nhờn mụn chuyên dụng. Bạn cũng nên thăm khám chuyên gia để có định hướng điều trị và khắc phục hiệu quả.
Nhận thông báo hàng tuần cho tin tức làm đẹp
0 bình luận
Bạn vui lòng đăng nhập để có thể bình luận cho bài viết này