Đà tăng của thị trường được duy trì trong suốt phiên giao dịch và tăng mạnh mẽ trong phiên giao dịch đóng cửa. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 16,99 điểm lên 987,57 điểm. Vốn hóa sàn HOSE đã tăng thêm 56.000 tỷ đồng, tương đương 2,42 tỷ USD.
Thanh khoản đạt 163 triệu cổ phiếu, tăng 13% so với phiên trước đó. Giá trị khớp lệnh đạt 3.963 tỷ đồng, tăng 28% so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường không tốt khi số mã giảm gấp 1,4 lần số mã tăng trong ngày thị trường tăng điểm. Sàn HOSE có 123 cổ phiếu tăng giá, 59 cổ phiếu đứng giá và 170 cổ phiếu giảm giá.
Sự tăng điểm của VN-Index tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip), đặc biệt 3 cổ phiếu họ Vin có vốn hóa tăng đến 31.600 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes tăng kịch trần 6.300 đồng/cổ phiếu lên 96.700 đồng/cổ phiếu, giúp vốn hóa tăng 21.102 tỷ đồng.
Cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 1.900 đồng/cổ phiếu lên 118.400 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa tăng 6.064 tỷ đồng.
Cổ phiếu VRE của Vincom Retail tăng 1.900 đồng, lên 34.000 đồng, giúp vốn hóa tăng thêm 4.425 tỷ đồng và lọt vào nhóm 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Như vậy, top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE có tới 3 công ty họ Vin trị giá 781 ngàn tỷ đồng, chiếm 24% vốn hóa toàn thị trường. Trong 9 phiên giao dịch sau Tết, vốn hóa 3 công ty này đã tăng thêm 130 ngàn tỷ đồng. Vốn hóa VIC tăng 62.556 tỷ đồng, VHM tăng 55.937 tỷ đồng và VRE tăng 11.644 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE có tới 3 công ty họ Vin trị giá 781 ngàn tỷ đồng, chiếm 24% vốn hóa toàn thị trường. |
Bên cạnh nhóm cổ phiếu Vin, sự tăng giá của VNM (vốn hóa tăng 9.577 tỷ đồng), MSN (vốn hóa tăng 4.304 tỷ đồng), VCB (3.709 tỷ đồng), SAB (2.565 tỷ đồng)… cũng góp sức thị trường tăng điểm mạnh.
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 172 tỷ đồng, mua ròng ở các mã MSN (53 tỷ đồng), VNM (43 tỷ đồng), SSI (40 tỷ đồng), VCB (37 tỷ đồng)… Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ở VJC (77 tỷ đồng), NVL (10 tỷ đồng)…
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn sẽ luân phiên tăng điểm và tạo sự chi phối đến diễn biến của chỉ số. Dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang bước vào nhịp điều chỉnh thuộc các nhóm ngành dầu khí, ngân hàng, dệt may, thủy sản, điện, vật liệu xây dựng và bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận. Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn được đánh giá tích cực nên chúng tôi cho rằng các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường tiếp tục là cơ hội cho các hoạt động mua trading nâng tỷ trọng cổ phiếu cho danh mục.
Nguyễn Như
Nên đọc