Đại dịch Covid-19 đang có diễn biến ngày càng phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, du lịch, hàng không là những ngành “thấm đòn” đầu tiên. Bên cạnh Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet), Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trên thị trường phi tập trung OTC, cổ phiếu BAV của Bamboo Airways cũng đang giảm sâu như VJC và HVN. Hiện tại, mức giá thấp nhất được chào mua của BAV là 22.000 đồng/CP, mức cao nhất là 26.000 đồng/CP. Khối lượng chào mua dao động từ 30.000 tới 500.000 cổ phiếu.
Chưa đạt 1 tỷ USD, Bamboo Airways đã mất 7.300 tỷ đồng. |
Trong khi đó, giá chào bán phổ biến từ 23.000 đồng/CP tới 26.000 đồng/CP. Khối lượng chào bán cao hơn bên mua, dao động từ 4.000 tới 1 triệu cổ phiếu. Lệnh chào bán dày đặc hơn lệnh chào mua.
Như vậy, so với mức “đỉnh” được thiết lập hồi cuối năm 2019, thị giá BAV trên OTC giảm 18.000 đồng/CP, tương đương 45%. Như vậy, vốn hóa thị trường Bamboo Airways giảm 7.290 tỷ đồng xuống còn 8.910 tỷ đồng. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng trước đó của Bamboo Airways.
Hồi cuối năm 2019, Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết cổ phiếu BAV dự kiến sẽ được niêm yết hoặc trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM hoặc Hà Nội trong quý I/2020. Mức giá chào bán khởi điểm 50.000-60.000 đồng, tương đương 2,59 USD/cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường Bamboo Airways sẽ đạt tối đa 24.300 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Tuy nhiên, khi quý I/2020 đã kết thúc, Bamboo Airways chưa cho thấy dấu hiệu sẽ đưa BAV lên sàn chứng khoán. Và vốn hóa thị trường Bamboo Airways thấp hơn kỳ vọng rất nhiều, thấp hơn tới 15.390 tỷ đồng.
Hiện tại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giống như tất cả các hãng hàng không khác, Bamboo Airways đã phải dừng rất nhiều tuyến bay. Và điều này ảnh hưởng lớn tới doanh thu cũng như lợi nhuận của hãng.
Trả lời báo Thanh Niên, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết Bamboo Airways sẽ cân nhắc mở lại việc chở khách về nước trên các chuyến bay thuê chuyến sau giai đoạn cao điểm phòng chống Covid-19, dự kiến từ sau 15/4, dựa trên chỉ đạo của Chính phủ và tình hình cụ thể của đất nước vào thời điểm đó.
Tuy mất tới 45% giá trị vốn hóa thị trường nhưng mất mát của Bamboo Airways vẫn thấp hơn các đối thủ còn lại.
Sau 1 quý giao dịch, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines dừng ở mức 17.800 đồng/CP, giảm 15.950 đồng/CP, tương đương 47% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Như vậy, vốn hóa thị trường Vietnam Airlines giảm 22.612 tỷ đồng.
Mới đây, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã gửi thư động viên cán bộ nhân viên cùng đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong “tâm thư”, ông Thành cho biết Vietnam Airlines đang trong giai đoạn “sống còn” khi hãng có tới 2.000 người lao động phải cách ly, 100 máy bay nằm không, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng. 50% người lao động phải ngừng việc, toàn bộ người lao động phải giảm lương thậm chí cán bộ từ cấp Ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Vietjet không bình luận về những khó khăn mà hãng gặp phải. Và điều nhìn thấy rõ nhất chính là sự sụt giảm về thị giá cổ phiếu. Đóng cửa quý I/2020, cổ phiếu VJC dừng ở mức 97.200 đồng/CP, giảm 49.000 đồng/CP, tương đương 33,5%. Vốn hóa thị trường Vietjet giảm 26.540 tỷ đồng (tương đương 1,13 tỷ USD).
Ngân Hà
Nên đọc