Trong cuộc sống hiện đại và bận rộn, uống cà phê trở thành thói quen khó bỏ. Sử dụng ở mức điều độ, cà phê cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, thức uống này vẫn xếp vào hàng chất kích thích, dùng nhiều có thể tác động xấu đến cơ thể và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt đối với phái đẹp, uống cà phê hằng ngày với số lượng lớn có thể gây khô da, khiến da dễ bị bắt nắng và thâm nám.
Chính vì vậy, từ bỏ cà phê là việc không dễ dàng, cơ thể bạn sẽ “phản đối” lại bằng một số biểu hiện dưới đây, khó khăn này cũng gặp phải bởi những người cố gắng cai thuốc lá. Trong bài viết này, ELLE xin đưa ra một số bí quyết giúp bạn hạn chế thói quen uống cà phê hiệu quả:
Mệt mỏi, uể oải trong ngày
Khi bạn uống cà phê trong thời gian dài, cơ thể sẽ dựa vào nguồn năng lượng này để tỉnh táo. Có người ngày nào cũng phải uống một tách ngay sau khi tỉnh giấc, thậm chí, uống đến 4, 5 tách trong ngày. Cảm giác mệt mỏi, uể oải sau khi loại bỏ cà phê là điều dễ lường trước.
Để khắc phục, các bác sĩ khuyên bạn không nên ngưng uống cà phê một cách đột ngột. Cơ thể bạn cần thời gian điều chỉnh từ 5 tách mỗi ngày xuống hoàn toàn không cần đến cà phê. Bạn có thể bắt đầu bằng cách giảm dần lượng cà phê, từ 5 xuống còn 4 rồi 3 tách hoặc từ 1 xuống còn nửa tách mỗi ngày. Cùng với đó, thời gian uống cà phê cũng nên giãn cách ra, không còn thường xuyên như trước.
Đau đầu
Caffeine trong cà phê có tác động đến dòng chảy của máu bơm lên não. Do đó, một trong những biểu hiện thường gặp sau khi ngưng uống cà phê là đau đầu.
Nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng, cách hiệu quả nhất để hạn chế những cơn đau đầu là thực hiệu những hoạt động thúc đẩy máu bơm. Như vậy, tập thể dục thường xuyên là phương pháp giúp bạn đối mặt với cơn đau “hậu cà phê”. Hơn nữa, để cơ thể vận động còn giúp giảm bớt cảm giác mệt mỏi.
Chuyên gia dinh dưỡng và nhà sáng lập Kore Kitchen, Meryl Pritchard chỉ ra rằng uống đủ nước cũng là cách giảm đau, để cơ thể không bị phụ thuộc vào thuốc.
Giảm trí nhớ
Cà phê khó bỏ vì trong đó có caffeine là chất gây nghiện. Đã có nhiều người từ bỏ cà phê đột ngột và gặp phải các dấu hiệu như suy giảm trí nhớ, cảm xúc thất thường, thậm chí, rơi vào trạng thái trầm cảm.
Nếu loại bỏ caffeine là điều “bất khả thi” thì bạn có thể thay thế bằng thức uống lành mạnh hơn là trà xanh. Lượng caffeine trong trà chỉ bằng một nửa trong cà phê, trà còn giàu chất L-theanine giúp cải thiện trí nhớ. Rõ ràng đây là lựa chọn bạn nên bỏ sung bên cạnh tách cà phê hàng ngày.
Thèm đồ ngọt
Hormone cortisol trong cơ thể dễ bị tác động bởi cà phê, làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Sau khi loại bỏ cà phê, bạn có thể có cảm giác thèm ngọt hơn bình thường, đôi khi còn bị chóng mặt hoặc ngất.
Tuy nhiên, ăn nhiều kem và bánh ngọt không phải là giải pháp. Mặc dù bạn sẽ thấy ổn hơn trong tích tắc nhưng về lâu dài, cơ thể sẽ dần lệ thuộc vào đường để có năng lượng.
Biết là rất khó khăn nhưng bạn cần hiểu rằng tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường sẽ dẫn đến nhiều mối nguy cho sức khỏe. Bác sĩ Erin Palinski, tác giả cuốn 2 Day Diabetes Diet khuyên rằng, thay vì ăn nhiều đồ tráng miệng, bạn nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh như hoa quả và chất béo có lợi trong các loại hạt. Chúng vừa là nguồn năng lượng tốt lại có tác động tích cực đến cảm xúc của bạn.
—
Xem thêm:
Các quốc gia trên thế giới uống cà phê như thế nào?
Đến Singapore, nhất định nên thử 5 quán cà phê phủ đầy cỏ hoa này