Từ đầu tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 20 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp (tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, có 1 trường hợp tử vong) và tại tỉnh Kon Tum ghi nhận 8 trường hợp mắc.
Để hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Đồng thời chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng.
Bộ Y tế ra công điện khẩn phòng chống dịch bạch hầu – Ảnh: Internet |
Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cần phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân hiểu và chủ động phòng, chống dịch bạch hầu; phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn.
Sở Y tế các tỉnh gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh Đắc Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.
Sở Y tế các tỉnh thường xuyên báo cáo tình hình thu dung và điều trị người bệnh bạch hầu về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) theo đúng quy định hiện hành.
Thu Thủy (t/h)
Nên đọc