Kính áp tròng (còn gọi là lens) là phụ kiện không còn xa lạ đối với phái đẹp. Sản phẩm này ngoài việc giúp bạn tránh phải đeo những cặp kính cận nặng nề còn làm mắt trông to tròn và long lanh hơn. Tuy nhiên khi sử dụng kính áp tròng, bạn nên chú ý một số bí quyết chăm sóc mắt nhằm tránh tình trạng đau nhức và viêm nhiễm. Bài viết dưới đây, ELLE xin chia sẻ cùng bạn những mẹo bảo vệ mắt hữu ích.
Dùng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng
Như đã nói, đôi mắt khi đeo kính áp tròng dễ bị khô và mỏi mệt. Do đó, hãy dùng dung dịch nhỏ mắt để cung cấp độ ẩm cho mắt sau quá trình sử dụng lens. Thông thường khi mua kính áp tròng, bạn sẽ được gợi ý mua kèm thêm thuốc nhỏ mắt chuyên dụng. Đây là sản phẩm khác với những loại nước nhỏ mắt bình thường. Thuốc nhỏ mắt chuyên dụng này chứa thành phần nước mắt nhân tạo góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi ô xy cho đôi mắt, hạn chế tình trạng khô và cay mắt.
Tẩy trang kỹ lưỡng
Có lẽ thói quen đeo kính áp tròng thường đi cùng với việc trang điểm. Những lớp bụi bẩn của mỹ phẩm rất dễ trôi vào mắt nếu bạn không làm sạch mắt cẩn thận. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm, thậm chí gây mù lòa. Vì vậy, sau một ngày dài hoạt động bên ngoài, bạn nên tẩy trang cho đôi mắt kỹ lưỡng. Để đường kẻ eyeliner cũng như phấn mắt được loại bỏ hoàn toàn, bạn có thể dùng tăm bông thấm nước tẩy trang và nhẹ nhàng làm sạch vùng da quanh mắt, tránh dung dịch dính vào mắt.
Sử dụng tối đa 8 tiếng mỗi ngày
Theo nhiều nghiên cứu, hơn 80% ô xy cung cấp cho mắt là nhờ vào quá trình trao đổi trực tiếp ở giác mạc. Khi bạn sử dụng kính áp tròng quá lâu, giác mạc bị che đi khiến quá trình này bị hạn chế, do đó mắt dễ bị khô do thiếu ô xy. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể dẫn đến loét giác mạc và nguy cơ bị mù là rất cao. Chính vì vậy, sau vài tiếng sử dụng kính áp tròng, bạn nên tháo ra và để mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.
Mặc dù trên thị trường hiện nay có nhiều loại kính áp tròng có công nghệ giữ ẩm tốt, có thể đeo qua đêm. Nhưng theo nghiên cứu của Học viện Nhãn khoa tại Mỹ, những người dùng kính áp tròng khi ngủ có nguy cơ bị loét giác mạc cao hơn từ 10-15% so với người chỉ dùng trong ngày. Dù sao đi nữa, bạn nên tháo kính áp tròng khi không cần sử dụng để mắt nghỉ ngơi.
Vệ sinh kính áp tròng thường xuyên
Bạn nên dùng dung dịch chuyên dụng để rửa kính áp tròng sau mỗi lần sử dụng. Tuyệt đối không dùng nước máy để rửa lens. Nếu lỡ làm rớt kính khi đang chuẩn bị đeo, bạn nên rửa sạch. Sau đó, đặt kính trong dung dịch ngâm từ 10-30 phút để khử trùng.
Đeo kính che chắn khi ra đường
Đôi mắt vốn dĩ mỏng manh, khi bạn sử dụng kính áp tròng, “cửa sổ tâm hồn” lại càng nhạy cảm hơn nữa. Việc để mắt tiếp xúc với khói bụi cùng các chất độc hại trong không khí mà không che chắn thì chẳng khác gì bạn đang “giết chết” đôi mắt. Các yếu tố môi trường kể trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc viêm nhiễm ở mắt. Do đó, khi ra ngoài, hãy đeo kính râm để hạn chế tác động của bụi bẩn đến mắt.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A
Ngoài các bước chăm sóc mắt bên ngoài, bạn nên nuôi dưỡng “cửa sổ tâm hồn” từ bên trong bằng các nhóm thực phẩm giàu vitamin A. Chẳng hạn như cà rốt, sữa, thịt bò, cam, khoai lang… Ngoài ra, các loại rau khác như cải bó xôi, cải xoăn chứa lutein giúp đôi mắt khỏe đẹp. Hãy duy trì cả thói quen uống dầu cá để đôi mắt sáng khỏe từ bên trong.
Khám mắt định kỳ
Thông thường, khoảng thời gian hợp lý để bạn đi kiểm tra mắt là 3 đến 6 tháng mỗi năm. Việc đeo kính áp tròng khiến mắt dễ bị tổn hại vì nhiều lý do. Vậy nên càng chăm chỉ đi khám mắt định kỳ, bạn sẽ dễ dàng ngăn chặn những bệnh lý về mắt hoặc có những giải pháp điều trị kịp thời.
—
Xem thêm:
Những quy tắc “bất di bất dịch” khi dưỡng da vùng mắt bạn không thể không biết
Mặt nạ mắt – giải pháp giữ gìn đôi mắt đẹp cho nàng văn phòng