Có những loại mỹ phẩm chứa thành phần sáp dầu đang bị cho là có thể gây ung thư. Cùng ELLE tìm hiểu kỹ hơn về sáp dầu qua bài viết sau:
Sáp dầu là gì?
Đây là một hợp chất có dạng thức đặc sệt hay còn gọi là petroleum jelly, bao gồm sáp tự nhiên và dầu khoáng bổ trợ cho nhau để tạo thành một lớp bao phủ trên bề mặt da. Chính nhờ lớp màng khóa này mà da sẽ được cung cấp đủ dưỡng ẩm để phục hồi và làm dịu sự khô ráp. Nhờ những công dụng làm dịu và chữa lành các vết sưng tấy, vết bỏng, thành phần sáp dầu đã được ứng dụng trong nhiều loại mỹ phẩm chăm sóc da hiện đại.
Công dụng tuyệt vời của sáp dầu
- Chữa lành những vết trầy xước trên da và vết bỏng nhẹ
Thành phần sáp dầu trong mỹ phẩm có tác dụng giữ ẩm cao nên rất có lợi cho da sau quá trình phẫu thuật. Chỉ cần thoa lên trên những vết thương đã được rửa sạch và không bị nhiễm trùng thì da sẽ mềm và mau lành hơn.
- Chức năng dưỡng ẩm tuyệt vời
Trong thế giới làm đẹp, thành phần sáp dầu thường xuất hiện trong những sản phẩm được dùng để dưỡng da mặt và cơ thể nhờ tác dụng làm mềm da hiệu quả. Đối với những người bị nứt gót chân, đôi tay thô ráp hoặc môi nứt nẻ thì sáp dầu sẽ giải quyết hết tất cả vấn đề. Bạn chỉ cần thoa vào các vùng cơ thể bị khô và sần da và nhớ là hãy sử dụng thường xuyên để nhanh đạt được kết quả tốt.
- Giảm thiểu vết mẩn của trẻ nhỏ
Một số nghiên cứu đã chứng minh thành phần sáp dầu có khả năng làm giảm tình trạng nổi mẩn ở trẻ nhỏ khi sử dụng tã giấy. Hợp chất này sẽ tạo nên một lớp màng bảo vệ làn da cho bé không bị hầm và bí mồ hôi.
- Tẩy trang cho mắt
Dầu tẩy trang dĩ nhiên sẽ hiệu quả trong việc loại bỏ làm trang điểm nhưng liệu bạn có biết rằng thành phần sáp dầu trong mỹ phẩm dưỡng cũng có thể được sử dụng để tẩy trang cho vùng mắt. Cách sử dụng rất đơn giản: bạn dùng bông tẩy trang hay cotton và nhẹ nhàng đưa sản phẩm di chuyển xung quanh để làm sạch vùng mắt.
- Hỗ trợ lau chùi vết bẩn trên da
Bôi dọc theo đường chân tóc để thuốc nhuộm tóc không làm ố làn da của bạn. Tương tự, trước khi sơn móng tay hãy thoa một lớp chất này ở phần da xung quanh, khi móng tay đã khô thì phần sơn thừa xung quanh sẽ dễ dàng để lau chùi hơn.
- Giữ mùi nước hoa thơm lâu hơn
Đối với những khu vực như cổ hay phía sau tai, trước khi bạn xịt nước hoa lên người, bôi một lớp mỏng lên da thì hương nước hoa sẽ được lưu lại lâu hơn.
Tác dụng phụ thành phần sáp dầu
Việc tiêu hóa hay để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với những cơ quan bên trong cơ thể sẽ đem lại những phản ứng tiêu cực. Những tác dụng phụ của sáp dầu mà bạn nên lưu ý:
- Dị ứng: Một vài người có cơ địa dị ứng với những sản phẩm có chứa sáp dầu sẽ khiến cho cơ thể sau khi tiếp xúc bị mẩn ngứa khó chịu.
- Nhiễm trùng: Làn da không khô thoáng và sạch sẽ, sau khi thoa kem dưỡng có thành phần sáp dầu cũng sẽ dễ bị nhiễm trùng hoặc nấm da, thậm chí làm bí da gây nên mụn.
- Viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi: trong các loại mỹ phẩm thường bao gồm sáp dầu và dầu khoáng. Khi sử dụng sản phẩm thường xuyên, bạn sẽ hít phải lượng dầu khoáng trong đó sẽ khiến đường hô hấp bị viêm, dễ dẫn đến viêm phổi.
Kết: Trong quá trình sản xuất, các tạp chất có hại của đã bị loại bỏ nhiều nên việc sử dụng mỹ phẩm uy tín chứa sáp dầu khiến cho da bạn bị ung thư là gần như bằng không. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về những tác dụng phụ như ELLE đã chia sẻ. Mặt khác, bạn có thể sử dụng những sản phẩm thiên nhiên có công dụng gần giống để thay thế, chẳng hạn như sáp ong, dầu dừa, dầu ô liu, bơ hạt mỡ, bơ cacao.
—
Xem thêm:
Những thành phần mỹ phẩm có thể gây mụn bạn nên lưu ý
Có thật thủ phạm gây kích ứng da là loại mỹ phẩm bạn đang dùng?