“Diên Hi Công Lược” chắc chắn là siêu phẩm cung đấu đình đám nhất năm nay. Mới đi được 1/3 quãng đường, những gì gay cấn nhất còn chưa lộ diện mà bộ phim vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả. Ngày ngày đều có vô số topic được đưa ra bàn tán và mổ xẻ nhiệt tình.
Thành công của phim đến từ rất nhiều yếu tố: kịch bản hay, diễn viên tài năng, hậu kỳ chỉn chu hay như cách ekip làm phim khiến khán giả mãn nhãn với loạt trang phục đẹp muốn ngất lịm. Song, bên cạnh những lời khen có cánh, các thánh soi vẫn tìm ra vô số hạt sạn trong cách làm trang phục trong phim. Có điều, bao nhiêu trong số những “cáo buộc” ấy là sự thật?
Đầu tiên, hãy nói đến chi tiết thêu rồng trên áo vua Càn Long.
Nhiều người cho rằng hình thêu rồng méo mó, xẹo xỏ, dở khóc dở cười trên áo của vua Càn Long quả thực rất hài hước. Là do ekip làm việc cẩu thả hay đây là thâm ý của biên kịch Vu Chính, cố lồng ghép một chi tiết vui vẻ nhằm giảm sự căng thẳng chốn thâm cung?
Tất cả đều sai. Thực chất, ekip chỉ đang làm đúng theo nguyên mẫu trong lịch sử.
Nhìn lại một số phục trang của vua chúa ngày xưa, bạn sẽ thấy chi tiết thêu rồng ở chính giữa ngực áo thường bị gia công nguệch ngoạc như vậy. Mắt to, mồm méo, đang vui buồn hay khóc thương cũng khó mà lý giải. Nỗ lực theo sát lịch sử của ekip, âu cũng không đáng để chê trách.
Chi tiết thêu rồng với khuôn mặt méo mó trên chiếc long bào của Hoàng Đế Càn Long xưa kia. (Nguồn: The Epoch Times)
Trang Sohu – một trong những trang báo tin tức uy tín nhất Trung Quốc cũng khẳng định chi tiết thêu rồng như thế này là làm khá sát lịch sử. (Nguồn: Sohu)
Nguồn: Sohu
Kế đến, lớp ngọc trai của Cao Quý Phi có thực là đồ ăn theo trang phục của Trư Bát Giới?
Trong phân cảnh đoàn phi tần tham gia Lệ Chi Yến của Phú Sát Hoàng Hậu, Cao Quý Phi là người mặc lồng lộn nhất bộ áo đỏ rực rỡ, kèm theo lớp áo choàng bên ngoài được đính kết từ ngọc trai cực tỉ mỉ. Set đồ này, quả thực đã lột tả được vẻ cao cao tại thượng của nhân vật Cao Quý Phi hống hách, ngang ngược.
Có điều, vài thánh soi đã chỉ ra nó rất giống với lớp áo ngọc trai mà nhân vật Trư Bát Giới trong “Tây Du Ký” từng mặc trước đó. Đường đường là phi tần cao sang, nay lại bị so với lão Trư, kể cũng tội…
Nhưng thực chất, kiểu áo choàng ngọc trai này lại được lấy cảm hứng từ chính áo choàng mà Từ Hi Thái Hậu từng mặc trước đó, chứ không phải làm ăn theo áo của nhân vật hư cấu Trư Bát Giới.
Hình ảnh Từ Hi Thái Hậu chụp cùng các vị phu nhân ngoại quốc. (Nguồn: Sina)
Ngoài ra, các trang phục khác cũng được coi là rất sát với nguyên mẫu.
Để ý kĩ, bạn cũng sẽ thấy loạt trang phục màu đen mà Hoàng Hậu và các phi tần mặc khi có sự kiện quan trọng trong cung gần như giống với nguyên tác tới 90%. Bên cạnh đó, các thường phục của họ cũng được làm rất sát với lịch sử.
Nhìn chung, từ tục lệ đeo 3 chiếc khuyên tai tới cách ăn mặc, làm tóc của các nhân vật đều rất giống với vua chúa, phi tần trong quá khứ. Thay vì móc mỉa tổ chế tác trang phục, chúng ta có lẽ nên dành lời khen cho họ vì đã tôn trọng lịch sử.
Tạo hình của Phú Sát Hoàng Hậu cũng khá giống với hình ảnh được treo trong Bảo Tàng Cung Điện Quốc Gia tại Đài Bắc.
Nguồn: Weibo