App kinh nguyệt bùng nổ vào năm 2014, khi Apple ra mắt ứng dụng theo dõi sức khỏe, HealthKit, mà không có tính năng theo dõi kinh nguyệt dành cho phụ nữ. Sau đó, một làn sóng phản đối trỗi dậy buộc Apple phải thêm tính năng đó vào ứng dụng của mình. Câu chuyện này đã mở đầu cho một cuộc tranh luận toàn cầu về việc đưa kinh nguyệt vào thiết kế của các công cụ theo dõi sức khỏe cá nhân, tạo ra sự bùng nổ trong lĩnh vực mang tên “femtech” (Female Technology) – công nghệ tập trung vào theo dõi sức khỏe của phụ nữ bao gồm sinh nở, kinh nguyệt, sức khỏe sản phụ, sức khỏe tình dục và phụ khoa.
Lĩnh vực này có số quỹ đầu tư hơn 1 tỷ USD từ năm 2014. Các công ty nhận quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital), hầu hết thuộc về phái nam và đã quá quen với việc lờ đi sức khỏe của phụ nữ, nay đang đổ tiền vào mọi thiết bị từ app kinh nguyệt sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) phức tạp đến các loại máy móc như máy hút sữa thông minh, máy tập luyện Kegel và vòng đeo tay theo dõi các thông số thể hiện khả năng sinh sản.
Tháng 3/2018, công ty tư vấn Frost & Sullivan công bố dữ liệu cho thấy tiềm năng thị trường femtech sẽ đạt đến 50 tỷ USD vào năm 2025 với những con số thuyết phục: Phụ nữ có khả năng dùng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi sức khỏe cao hơn đàn ông 75%; phụ nữ ở tuổi lao động dành thu nhập vào chăm sóc sức khỏe nhiều hơn đàn ông 29%. Nhận thức rằng phụ nữ không chỉ dùng công nghệ để theo dõi sức khỏe sinh sản của mình nhiều hơn mà còn chi tiêu nhiều nhiều hơn đàn ông vào các sản phẩm đó đã đánh thức các nhà đầu tư.
Lựa chọn trên thị trường
Lượt tìm kiếm từ khóa “app kinh nguyệt” (period tracker) trên App Store nhiều không đếm xuể. Những ứng dụng phổ biến có thể kể đến là Glow and Eve, sản phẩm của Max Levchin- đồng sáng lập PayPal; Flo – một app kinh nguyệt sử dụng công nghệ AI ra mắt năm 2015; My Flo – ứng dụng đưa ra một chế độ ăn uống hàng tuần để giải quyết vấn đề mất cân bằng hormone và Clue – ứng dụng do Ida Tin, một hướng dẫn viên du lịch bằng xe máy 39 tuổi từ Copendagen, cùng sáng lập với chồng mình.
Ý tưởng từ trải nghiệm bản thân
Nhà sáng lập ra ứng dụng Clue – Ida Tin, cũng là người đưa ra thuật ngữ “femtech”, muốn cung cấp cho người dùng thông tin có ích với tình trạng của từng người. “Nếu bạn có chu kỳ 40 ngày thì sao? Bạn có nên lo lắng không? Vậy nên tính năng giáo dục là một phần rất quan trọng đối với chúng tôi”. Cô ngạc nhiên về sự thiếu kiến thức, hoặc những thông tin thiếu xác thực mà phái đẹp tìm hiểu trên mạng về cơ thể của họ. Ban đầu, cô muốn chia sẻ với họ về những thành tựu nghiên cứu mới nhất, nhưng sau đó lại phải quay lại với những vấn đề cơ bản.
Bản thân đã chịu đựng tác dụng phụ của thuốc tránh thai trong nhiều năm, khi tiến đến tuổi ba mươi, Tin tự hỏi tại sao không ai từng cải tiến công cụ kế hoạch hóa gia đình trong nhiều thập kỷ nay. Cô bắt đầu làm mẫu thử cho một thiết bị, một loại nhiệt kế với bộ nhớ vi tính 3 tháng có khả năng kết nối với điện thoại, và lên kế hoạch phát triển khả năng đo hormones qua mẫu nước bọt. Tuy nhiên, thiết bị này không hoạt động như mong muốn và không ai chịu đầu tư cho cô cả.
Năm 2009, tại một hội nghị về công nghệ, cô gặp nhà doanh nghiệp công nghệ người Đức Hans Raffauf – người sau này sẽ trở thành chồng cô. Tin chia sẻ ý tưởng của mình về một ứng dụng dành riêng cho phụ nữ. Sau đó, cô cùng chồng gây được quỹ 50 nghìn USD để khởi nghiệp và sau đó nhận được quỹ lên đến hàng triệu USD từ các nhà đầu tư.
Kinh nguyệt – chủ đề bị tránh né quá lâu
Tin thấy được sự thay đổi thái độ đáng kể từ các nhà đầu tư so với khi cô mới bắt đầu. Trước đó, ai cũng nói đây là một “sản phẩm của phụ nữ”, “một thứ dành cho thiểu số”. Ngày nay, thái độ của họ thay đổi hoàn toàn. Tuy nhiên, không phải các nhà đầu tư bỗng nhiên quan tâm hơn đến phụ nữ, hoặc “những ông lớn da trắng trung niên này” đang hướng đến cách tân. Nguyên nhân cho sự thay đổi thái độ này là công ty do những người như Tin sáng lập đang chắn ngang thị trường của họ, buộc họ phải quan tâm.
Phụ nữ cũng góp phần tạo ra thay đổi này bằng cách yêu cầu những công nghệ giúp họ giải quyết vấn đề của mình, nhưng quá trình này còn rất chậm chạp. Tin bày tỏ: “Tại sao không có những thiết bị giới thiệu thuốc tránh thai? Có tới hơn 600 nhãn hiệu khác nhau. Phụ nữ phải bắt đầu từ đâu bây giờ? Hiện nay, phụ nữ sẽ nhận lời gợi ý về một loại thuốc ngẫu nhiên nào đó của bác sĩ, và nếu loại thuốc đó không hợp, họ sẽ phải chịu đựng tác dụng phụ rồi tiếp tục thử nghiệm với các loại thuốc khác. Điều này thật lố bịch”. Sớm thôi, phụ nữ sẽ bắt đầu đòi hỏi những dịch vụ thực sự có ích đối với nhu cầu của riêng từng người.
Giới hạn của công nghệ dành cho phái đẹp
Bên cạnh sự phổ biến của femtech, có những giới hạn to lớn vây quanh lĩnh vực này. Hầu hết những app kinh nguyệt không có chất lượng cao lắm. Người dùng khá thất vọng với độ thiếu chính xác, những giả định về nhân dạng giới tính của họ, với giao diện hoa hòe và màu hồng yểu điệu mà không có tính năng cho phép người dùng thay đổi theo sở thích của mình.
Sau khi nhận thấy phụ nữ trong văn phòng đang ngày càng tin tưởng những app kinh nguyệt trong việc theo dõi sức khỏe phụ khoa của mình, một nhóm bác sĩ phụ sản từ Đại học Columia và Mount Sinai thực hiện một nghiên cứu đo độ chính xác của các ứng dụng thường được dùng. Clue có số điểm cao nhất.
Thông tin người dùng
Một vấn đề người dùng quan tâm là thông tin cá nhân của họ được sử dụng như thế nào. Hẳn bạn đã biết nhiều công ty lén bán thông tin cá nhân người dùng để kiếm lợi nhuận, đặc biệt ở lĩnh vực theo dõi sức khỏe phụ nữ. Tin tuyên bố công ty của mình không lưu thông tin người dùng trong nhiều năm trước khi xây dựng được hệ thống bảo mật an toàn. Tuy nhiên, cô cho rằng không lưu thông tin người dùng không phải là giải pháp. Ứng dụng của cô sẽ không giúp gì nhiều cho mọi người và các công ty khác cũng vẫn sẽ xây dựng app kinh nguyệt để cướp thông tin người dùng.
Thông tin người dùng nhập vào Clue được sử dụng vào một mục đích khá tuyệt vời. Sau khi nghiên cứu năm 2016 xếp hạng Clue hàng đầu, các nhà nghiên cứu từ mọi nơi gọi đến, vô cùng hào hứng về lượng thông tin quý giá mà Clue nắm giữ – lượng dữ liệu lớn nhất về kinh nguyệt hiện có. Clue hiện đã bắt tay với các cơ quan nghiên cứu như Đại học Columbia, Oxford, Stanford và Học viện Kinsey, những nơi có mục tiêu mở rộng kiến thức về một thành phần của dân số đã bị thiếu quan tâm một cách trắng trợn: phụ nữ.
Dữ liệu nghiên cứu
Thông tin người dùng của Clue được các nhà nghiên cứu từ Stanford sử dụng để tìm hiểu xem liệu triệu chứng đau đớn lặp đi lặp lại qua các kỳ kinh nguyệt có thể dự đoán bệnh tật không. Cộng đồng nghiên cứu The Max Planck Society thì đang nghiên cứu về thay đổi cảm hứng tình dục trong thời kỳ rụng trứng. Oxford đang đào sâu về vấn triệu chứng trước khi hành kinh, và các nhà khoa học ở Columbia thì đang tìm hiểu mối liên hệ giữa chu kỳ kinh nguyệt và nguy cơ ung thư vú. Tin cũng nói chuyện với Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering về ung thư buồng trứng và dạ con – hai loại bệnh không có dấu hiệu cho đến khi bệnh nhân đã đến giai đoạn cuối và cầm chắc cái chết.
Xem thêm:
Hiểu về chu kỳ kinh nguyệt và cách tính ngày rụng trứng
Chăm sóc cơ thể theo 4 giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt