Vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (Vietnam Rubber Group) có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng. Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang sở hữu 96,77% vốn của tập đoàn, người lao động sở hữu 0,72%, tổ chức công đoàn 0,02% và cổ đông khác 2,49%.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang sở hữu 4.701 km2 đất nông nghiệp trồng cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia. |
Chỉ tính trên sàn chứng khoán, Vietnam Rubber Group là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thứ hai sau Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 40.220 tỷ đồng.
Cổ phiếu GVR vừa mới hủy đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM từ ngày 9/3 với giá đóng cửa đạt 12.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đã giao dịch tại UPCoM từ 21/3/2018 sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào 2/2/2018 với giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, tại phiên IPO này, cổ phiếu GVR đã bị ế nặng khi chỉ bán được 1/5 số lượng cổ phiếu đưa ra đấu giá.
Lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn là: Trồng, khai thác và chế biến cao su; Công nghiệp cao su; Chế biến gỗ; Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp với 12 khu có tổng diện tích 6.000ha; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, tập đoàn đang sở hữu 4.701 km2 đất nông nghiệp và 179 km2 đất phi nông nghiệp tại Việt Nam, Lào, Campuchia.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, công ty đạt doanh thu 20.073 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 3.323 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 831 đồng.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2019, công ty đạt doanh thu 906 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.548 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh thu tài chính đạt 2.955 tỷ đồng. Tài sản của tập đoàn chủ yếu tập trung tại các công ty con khi khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm đến 85,5% (36.913 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 5,5%, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 3,7%.
Theo đó, 20 đơn vị thuộc sở hữu 100% của tập đoàn có trị giá 19.643 tỷ đồng với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn như: Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Cao su Dầu Tiếng, Cao su Phú Riềng, Cao su Chư Sê, Cao su Mang Yang, Cao su Chư Păh, Cao su Lộc Ninh, Cao su Chư Prông…
Bên cạnh đó, tập đoàn đầu tư 11.627 tỷ đồng để sở hữu từ 50% vốn điều lệ tại 27 đơn vị, 5.822 tỷ đồng tại 22 công ty liên kết và 327 tỷ đồng tại các đơn vị khác. Hiện nay, các đơn vị này có nhiều công ty đưa cổ phiếu lên sàn với các mã chứng khoán như: BRC, BRR, DPR, EIC, GER, GTA, HRC, MDF, NTC, PHR, RBC, RTB, SIP, TL4, TRC, VIR, VRG.
Theo cáo cáo tài chính riêng lẻ thì tập đoàn còn khoản nợ xấu lên đến 1.200 tỷ đồng nhưng chỉ có khả năng thu hồi 556 tỷ đồng. Các “con nợ” lớn của tập đoàn gồm Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (các khách hàng cho vay 861 tỷ đồng, các khoản cho vay theo hình thức repo cổ phiếu 54 tỷ đồng), CTCP Gỗ MDF VRG Kiên Giang (181 tỷ đồng), CTCP Cao su Phú Riềng Kratic (92 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Cao su (11 tỷ đồng).
Như Nguyễn
Nên đọc