Da mẩn đỏ là một trong những tình trạng phổ biến của chứng dị ứng da. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, lý do thường gặp nhất là dùng sản phẩm dưỡng da không thích hợp. Vậy làm thế nào để khắc phục vấn đề đau đầu này?
Nguyên nhân khiến da mẩn đỏ
Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp
Một số hóa chất trong sản phẩm bạn đang dùng có thể không phù hợp với làn da của bạn. Đặc biệt, những ai sở hữu làn da nhạy cảm cần hết sức thận trọng trong việc dùng mỹ phẩm.
Tẩy da chết quá mức
Các sản phẩm tẩy tế bào chết thường chứa thành phần AHA, BHA hoặc các hợp chất có tác dụng khá mạnh. Vì vậy, nếu bạn lạm dụng việc này, làn da dễ bị kích ứng, da mẩn đỏ, gây ngứa hoặc đau nhức.
Lạm dụng retinoids
Retinoids là một dẫn xuất của vitamin A. Nếu sử dụng retinoids với nồng độ quá cao sẽ dẫn đến chứng dị ứng da khiến da mẩn đỏ. Tốt hơn hết, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu trước khi sử dụng.
Viêm da
Những dấu hiệu thường thấy của viêm da thường gặp là da mẩn đỏ, nóng rát, sưng và đau nhức. Đây là một trong những tình trạng khá nghiêm trọng, bạn không nên tự chữa trị tại nhà mà hãy đến gặp bác sĩ da liễu để có hướng điều trị thích hợp.
Một số thành phần hữu ích cho làn da bị mẩn đỏ
- Acid Azelaic: ngoài khả năng làm giảm mẩn đỏ, acid azelaic còn giúp lỗ chân lông thông thoáng, ngăn ngừa thâm, nám và vi khuẩn.
- Niacinamide (vitamin B3): niacinamide có thể làm giảm mẩn đỏ cũng như bọng mắt hiệu quả. Niacinamide hoạt động như chất chống ô xy hóa, làm giảm sắc tố da, tăng độ đàn hồi cho da.
- Steroid: đây là thành phần thường có trong các sản phẩm dưỡng da. Steroid giúp làm dịu và giảm sưng cho da mẩn đỏ.
Chăm sóc da mẩn đỏ
Rửa mặt bằng nước muối sinh lý
Việc da nổi mẩn đỏ chứng tỏ làn da đang trong tình trạng nhạy cảm, nên tránh sử dụng mỹ phẩm, kể cả dầu tẩy trang hoặc sản phẩm rửa mặt. Trong giai đoạn này, bạn nên dùng nước muối sinh lý hoặc muối tinh pha loãng với nước để rửa mặt. Có thể bạn nghĩ nước muối sẽ không làm sạch sâu cho da như các sản phẩm rửa mặt thông thường. Thực tế, nước muối có tính sát khuẩn rất cao nên có thể tẩy sạch mọi bụi bẩn, dầu thừa. Thấm nước muối ra bông tẩy trang rồi thoa đều khắp mặt. Massage nhẹ nhàng và rửa lại bằng nước sạch. Như vậy, da không bị tổn hại thêm bởi mỹ phẩm mà vẫn đảm bảo được thông thoáng.
Tẩy da chết đúng mức
Sau khi tẩy tế bào chết, làn da mịn mướt khiến bạn cảm thấy thích thú và muốn thực hiện việc này thường xuyên. Tuy nhiên, theo các bác sĩ da liễu, việc tẩy da chết quá mức khiến da mỏng đi và dễ nổi đỏ, đồng thời, da cũng nhạy cảm hơn.
Dưỡng da với thành phần tự nhiên
Dưa leo là loại quả chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất cung cấp độ ẩm cần thiết cho da. Bạn chỉ cần gọt vỏ, cắt thành lát mỏng, đắp lên da và năm thư giãn trong khoảng 15-20 phút.
Trà xanh không chỉ nổi tiếng với công dụng chống lão hóa da mà còn là thành phần giúp giảm mẩn đỏ. Trong trà xanh có chứa thành phần kháng viêm, làm co mạch máu, từ đó giúp làm dịu da kích ứng hiệu quả. Ngâm túi trà xanh vào nước nóng, để nguội rồi dùng khăn bông thấm nước và lau mặt.
- Bột yến mạch
Yến mạch là thành phần có tác dụng làm dịu da, chữa da mẩn đỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ bỏng nắng, chàm (ezema) đến kích ứng. Trộn yến mạch với nước ấm tạo thành hỗn hợp dưỡng da trong giai đoạn da mẩn đỏ.
Uống nhiều nước
Trong giai đoạn da đang nhạy cảm, bạn sẽ không sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm. Điều này khiến da dễ khô do không được cấp ẩm. Vì vậy, bạn nên uống nhiều nước để bổ sung độ ẩm cho da, giữ da luôn ẩm mượt. Theo nguyên tắc, mỗi ngày bạn cần uống 8 ly nước để “tiếp sức” cho làn da, đồng thời, thải các chất ra ngoài giúp da mau lành hơn.
Tránh ăn đồ cay, nóng
Các chất kích thích vị giác trong thức ăn cay, nóng là một trong những nguyên nhân khiến da mẩn đỏ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, trong quá trình điều trị, tốt hơn hết bạn nên tránh ăn các loại thực phẩm này.
Không chạm tay lên mặt
Khi bạn sờ lên mặt, vi khuẩn từ tay được dịp tấn công làn da, khiến các nốt mẩn đỏ viêm nhiễm biến hóa khó điều trị. Để hồi phục, bạn cần phải ngừng ngay việc sờ, chạm vào những vết mẩn đỏ trên da.
Tránh tắm nước quá nóng
Vòi hoa sen hoặc nước trong bồn tắm quá nóng gây giãn mao mạch khiến tình trạng da mẩn đỏ ngày càng nghiêm trọng hơn. Để da được thư giãn, bạn nên tắm nước ấm rồi xả lại với nước lạnh.
Làm mát
Sử dụng miếng chườm lạnh hay xả nước lạnh làm dịu cảm giác nóng rát của các vết ban đỏ. Sau đó, hãy lau khô nhẹ nhàng và dưỡng ẩm. Độ lạnh có thể giúp giảm mẩn đỏ nhờ làm co các mạch máu trong da. Phương pháp này đặc biệt hữu ích nếu da mẩn đỏ đi kèm với cảm giác bỏng rát hoặc sưng.
Sử dụng phấn nền dạng bột
Nếu buộc phải trang điểm, bạn nên lựa chọn những loại phấn nền có chứa công thức dạng bột như silica, titanium dioxide và kẽm oxit. Những thành phần này giúp hấp thụ dầu thừa, che đi vết mẩn đỏ mà không gây kích ứng da.
Tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu
Để điều trị da mẩn đỏ an toàn và hiệu quả, ngoài các giải pháp dưỡng da thông thường, cách tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Các sản phẩm chuyên dụng bôi ngoài da được kê toa có thể giúp tình trạng này nhanh hết hơn. Hãy luôn sáng suốt khi dưỡng da để đảm vệ vẻ đẹp của chính mình nhé!
—
Xem thêm:
Chuyện cũ nhưng không cũ: làm đẹp cùng baking soda
Thoát khỏi những sai lầm trong cách dưỡng da ban đêm khiến bạn lão hóa sớm